Số hóa ngành xuất bản

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội sách online lần đầu tiên vừa diễn ra là điểm nhấn rõ ràng nhất cho xu hướng chuyển đổi sang các kênh bán hàng online. Tuy nhiên, để làm nên một nền xuất bản hiện đại không chỉ cần hình thức mua, bán online mà cần cả số hóa sách.

 Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 khai mạc tại sàn thương mại điện tử book365.vn. Ảnh: Linh Dũng

Tạo môi trường kinh doanh online
Hội sách trực tuyến toàn quốc lần đầu tiên đang diễn ra tại website book365.vn. Không khí sôi động, chen vai để mua sách tại các hội sách truyền thống nay được thay thế bằng sự sôi động của các giao dịch online. Nhiều người nhận định, sự thay đổi từ hội sách thật sang ảo có một phần nguyên nhân nhờ cú hích mang tên “Covid-19”. Mặt khác, đây là dấu hiệu cho thấy, ngành xuất bản đang chuyển mình, hiện đại hơn.
Trong khuôn khổ của Hội sách online quốc gia, ngày hôm nay (22/4), bên cạnh việc bán sách online, Ban tổ chức còn thực hiện các cuộc giao lưu trực tuyến giữa nhà văn Nguyễn Quang Thiều với độc giả, chủ đề: "Hội chợ sách Lahabana và văn hóa đọc ở Cuba"; giao lưu với Thứ trưởng Bộ TT&TT - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo, chủ đề: "Để Giải thưởng sách Việt Nam trở thành động lực cho văn hóa đọc".
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Văn học Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ số phát triển, xuất bản sách online là một thực tế mà các đơn vị xuất bản phải thích ứng. Đối với NXB Văn học, không phải vì dịch Covid - 19 chúng tôi mới nghĩ đến việc kinh doanh sách điện tử. Từ cuối năm 2019, NXB Văn học đã chuẩn bị, nâng cấp trang thông tin điện tử, đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương, cập nhật nội dung, chỉnh trang giao điện. Tới đây, kênh phát hành trực tuyến sẽ là một trong những kênh chủ lực của chúng tôi”.
Bên cạnh các trang web truyền thống, các fanpage, instagram (mạng xã hội chuyên chia sẻ ảnh, video) của nhiều đơn vị xuất bản cũng đã phát huy tác dụng. Ðể gây ấn tượng với độc giả, nhiều chương trình khuyến mãi lớn đã được áp dụng. Có thể kể đến các chương trình tiêu biểu như “giảm sốc 70%” của Fahasa, “sale bùng nổ - đồng giá 40%” trong tháng 3 của Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam hay chương trình “Tháng Ba sách Trẻ” của NXB Trẻ với nhiều mức khuyến mãi hấp dẫn. Ngoài việc gửi gắm sản phẩm của mình cho những trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Fahasa... nhiều đơn vị xuất bản còn chủ động xây dựng trang phát hành riêng với các chương trình giảm giá sâu. Từ đó, sức hấp dẫn của thị trường sách online đã thu hút nhiều nhà sách, tư nhân cùng tham gia, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh sôi động, thu hút đông đảo người yêu thích sách tìm đến.
Thách thức nhãn tiền
Thực tế cho thấy, khi thị trường sách trực tuyến bước đầu khởi sắc, một số đơn vị tuy đã thiết lập các trang bán sách online song nội dung còn nghèo nàn, thiếu tính tương tác, chưa chú trọng dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Do vậy, các đơn vị xuất bản, phát hành còn cần có ý thức định vị được giá trị của mình đối với độc giả.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Công ty CP Sách Alpha Nguyễn Cảnh Bình, các đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử còn phải vượt qua rào cản về kỹ thuật. Quốc gia sách điện tử phát triển tốt nhất là Mỹ. Họ có những thiết bị bảo đảm tài sản như Kindle. Nhưng ở Việt Nam, người dân thay đổi các thiết bị như điện thoại khá dễ dàng. Trong khi đó, các công ty xuất bản chưa bảo đảm sự bền vững, ổn định của các thiết bị đọc. Mặt khác, kinh doanh sách điện tử rủi ro hơn so với sách giấy. Đó là hiện tượng làm lậu dễ dàng hơn nên các đơn vị e dè trong việc đầu tư. Còn theo Giám đốc NXB Văn học Nguyễn Anh Vũ: “Xuất bản sách điện tử giúp tiết giảm chi phí (thuê mặt bằng, nhân sự) nhưng đổi lại cần phải đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực vận hành trang thông tin để phát hành”.
Tuy nhiên, phát triển môi trường số cho sách là điều tất yếu. Sau 3 ngày khai mạc Hội sách online quốc gia đầu tiên, hàng nghìn ấn phẩm đã được đặt mua. Các cuộc giao lưu với độc giả theo hình thức trực tuyến cũng trở nên hấp dẫn. “Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia (tại trang book365.vn) tôi đã giao lưu với bạn đọc. Tôi hy vọng cách làm này mang lại hiệu quả, sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc hơn nữa giữa những người làm nghiên cứu, xuất bản, làm sách với độc giả” - PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử bày tỏ.
Từ hội sách trực tuyến đến những thách thức trong việc xuất bản sách điện tử có thể thấy, Covid -19 như một thử thách để sàng lọc những đơn vị thiếu khả năng thích nghi và quy hoạch lại một cách tự nhiên toàn bộ hệ thống, làm cho ngành xuất bản phát triển hơn. Nhìn rộng hơn, số hóa ngành xuất bản không phải chỉ để làm giàu cho ngành mà còn góp phần nâng cao dân trí cho người dân.