Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số hóa và nền kinh tế số

Phan Văn Từ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đề xuất của Việt Nam tại APEC 2017, cộng đồng quốc tế đã nhiệt liệt hưởng ứng và cùng nhau cam kết đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số trên quy mô toàn cầu. Vậy nền kinh tế số về bản chất là gì? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm và các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực thảo luận để đi đến thống nhất nhằm làm sáng tỏ về một nền kinh tế đã và đang được coi như một giai đoạn mới của quá trình phát triển.

Bài 1: Nền kinh tế gắn chặt với công nghệ
Nền kinh tế số là cách nói ngắn gọn bởi bản chất nó có thể hiểu là nền kinh tế trên nền tảng kỹ thuật số. Toàn bộ những quá trình đó về mặt triết học có thể tập hợp lại trong ba quá trình xử lý chính: Xử lý vật liệu, xử lý năng lượng và xử lý thông tin. Cả ba quá trình đó đan xen vào nhau, cùng nhau phát triển.
 Khách hàng thanh toán qua thẻ tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Hiểu rõ hơn nền kinh tế số

Trong 3 quá trình xử lý trên, xử lý thông tin có vai trò quan trọng. Bản chất thông tin là một khái niệm trừu tượng và số cũng là khái niệm trừu tượng nên thông tin là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Khi khối lượng số hóa thông tin ngày một lớn theo sự phát triển đã giúp xuất hiện một ngành công nghệ - CNTT.
Việc phát triển công nghệ này đã và đang ghi nhận những bước tiến vượt bậc từ việc tạo ra thông tin (cơ sở dữ liệu), lưu trữ, truyền, thu nhận và sử dụng thông tin dựa trên những bước tiến vượt bậc về thiết bị điện tử, vi điện tử thành một ngành công nghệ độc lập có giá trị gia tăng cao, triển vọng cũng rất lớn. Thậm chí, nó có thể tạo ra thế giới ảo “thật hơn cả thật”.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển, quá trình sản xuất ra của cải vật chất có vai trò quan trọng. Nhờ bàn tay và khối óc của mình, con người đã làm nên những sản phẩm tinh xảo, những tiện nghi hữu ích phục vụ cho đời sống của mình. Có thể số hóa được vật liệu không? Có thể khẳng định là không cần thiết. Không ai đi số hóa cơm, nước, sắt thép, xăng dầu... Vậy trong quá trình xử lý vật liệu CNTT có vai trò gì, kinh tế số hóa nằm ở đâu?
Thực tế cùng với sự phát triển của sản xuất tự động hóa, CNTT tham gia vào việc hoạch định sách lược sản xuất mặt hàng gì, số lượng bao nhiêu, sản xuất ở đâu, phân phối tiêu thụ như thế nào và đặc biệt tham gia tích cực vào việc thiết kế ra những sản phẩm mới.

CNTT còn tham gia vào quá trình quản lý và điều khiển việc sản xuất ra sản phẩm, trở thành bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Chẳng hạn trong ngành sản xuất ô tô, CNTT có thể tham gia vào việc phân tích thị trường để tìm ra phân khúc thị trường phù hợp có tính cạnh tranh cao và quyết định sản xuất loại ô tô nào.
CNTT cũng cần thiết được tham gia vào việc tính toán quy hoạch để bố trí cơ sở sản xuất ở đâu để đáp ứng không những các chỉ tiêu kinh tế mà còn giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.
Trong quá trình sản xuất ô tô thì CNTT sử dụng những phần mềm chuyên dụng để thiết kế ra nhiều mẫu ô tô khác nhau và khi cần sản xuất thì chỉ việc chọn ra mẫu thích hợp. CNTT còn trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất như xây dựng chương trình cho quá trình tự động hoá sản xuất và điều khiển robot lắp ráp xe. Ngoài ra, CNTT còn tham gia vào quá trình quản lý DN, tham gia vào logistics và tiêu thụ xe...

CNTT còn tham gia tích cực vào việc thiết kế ra sản phẩm trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Với sự xuất hiện rất nhiều công cụ hỗ trợ hiện nay, việc thiết kế ra sản phẩm chủ yếu dựa vào CNTT. Như trong ngành dệt may hiện nay CNTT cho phép ta thiết kế ra các loại vải có màu sắc và hoa văn khác nhau, có thể thay đổi linh hoạt theo thị hiếu khách hàng. Các hãng may mặc và trung tâm thiết kế thời trang đang áp dụng các phần mềm chuyên dụng để thiết kế và thay đổi nhanh chóng các mẫu quần áo cho phù hợp với xu thế thời trang.
Thậm chí, các nước có nền công nghiệp phát triển có thể thuê địa điểm và nhân công ở các nước kém phát triển hơn để thiết kế các sản phẩm với chi phí thấp hơn ở chính quốc khi tài liệu thiết kế được đóng gói dưới dạng phần mềm và chuyển đi trong môi trường mạng toàn cầu.

CNTT còn tham gia tích cực vào quá trình quản lý và điều khiển việc sản xuất ra sản phẩm trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

Len lỏi đến mọi lĩnh vực

Trong tiến trình phát triển sản xuất con người tiếp tục tìm cách phát triển nhiều dạng năng lượng khác nhau. Quá trình xử lý năng lượng là một quá trình quan trọng và ngày càng phát triển. Nhưng năng lượng có số hóa được không? Không và không cần thiết số hóa. Ở đây, một lần nữa CNTT hay kinh tế số được phát triển mạnh dựa trên nhu cầu hoạch định chính sách, thiết kế, quản lý sản xuất phân phối và tự động hóa.

Như đã nói trên, nền kinh tế số hóa gắn chặt với tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, tham gia vào mọi mặt đời sống của con người như dịch vụ vận chuyển, du lịch, khách sạn... Và trong thời gian tới sẽ xuất hiện mạnh mẽ các loại hình dịch vụ dựa chủ yếu trên nền tảng CNTT – xử lý thông tin mà cơ sở vật chất để đảm bảo lại thuộc nhiều chủ sở hữu khác ví dụ như Grab, Uber...
Nhưng, CNTT tham gia vào nhiều công đoạn để sản xuất ra sản phẩm thì việc đánh giá hiệu quả tác động của nó cũng phải đánh giá thông qua sản phẩm. Như vậy sản phẩm của Uber và Grab là dịch vụ vận tải thì mọi tiêu chuẩn đánh giá dịch vụ vận tải đều có thể áp dụng cho nó chứ không phải chỉ là phần CNTT mà nó áp dụng vào.
Ngoài ra có thể đơn cử thêm lĩnh vực tài chính tiền tệ, việc áp dụng CNTT cũng rất thuận lợi. Đây là lĩnh vực trong tương lai gần được dự báo sẽ chuyển hầu hết công việc cho máy làm, con người chỉ đóng vai trò giám sát và ra quyết sách.

Như vậy có thể thấy nền kinh tế số hóa được phát triển độc lập tương đối trên nền tảng CNTT và tham gia vào quá trình quản lý, điều khiển sản xuất các sản phẩm và quá trình xử lý năng lượng.

(Còn nữa)