Số hóa và nền kinh tế số

Phan Văn Từ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành ngân hàng rất gần gũi với ngành công nghệ thông tin (CNTT) và mọi thành tựu của ngành CNTT đều có thể áp dụng cho ngân hàng. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, ngân hàng là mảnh đất dụng võ của CNTT. Nhưng như một nghịch lý đây cũng là “mảnh đất” dễ bị tổn thương nhất.

Bài 3: Thời đại của ngân hàng số 
Cơ hội cho người đi sau nếu…

Ngân hàng phải làm gì để tồn tại và phát triển trong nền kinh tế số hóa? Đó là câu hỏi của nhiều ngân hàng quốc gia nói chung và từng ngân hàng nói riêng. Với hệ thống ngân hàng Việt Nam thì đó còn là những thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn nếu biết khắc phục kịp thời những tồn tại, có những chiến lược tận dụng tốt xu hướng kết nối trong thời đại công nghiệp 4.0. Thực tế, xuất phát điểm các ngân hàng của chúng ta là yếu cả về quy mô nguồn lực và công nghệ. Để khắc phục điểm yếu thứ nhất thì lời giải rất rõ ràng là phải liên doanh, liên kết, đoàn kết để cạnh tranh với đối thủ tiềm năng. Lời giải thì đã có, và rất rõ ràng nhưng thực hiện thì sẽ gặp vô vàn khó khăn vì các bài toán xã hội không thể “số hóa được”.
Vận hành sản xuất bằng hệ thống điện tử tại Công ty Năng lực Việt, khu công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Bây giờ ta nói về việc khắc phục điểm yếu thứ hai, yếu về công nghệ. Đây là lĩnh vực ta có lợi thế của người đi sau. Chúng ta có thể vận dụng công nghệ hiện đại và tạo ra các ứng dụng trên nền công nghệ hiện đại cho những việc cụ thể đặt ra trong ngành ngân hàng mà không bị đè nặng bởi công nghệ lỗi thời. Điều này ngành thông tin viễn thông và ngành phát thanh truyền hình đã làm được.

Việc đầu tiên ta phải làm là xây dựng hệ chuyên gia dựa trên trí tuệ nhân tạo để đánh giá thị trường, đánh giá đối thủ tiềm năng, dựa trên lý thuyết trò chơi để hoạch định chiến lược và đánh giá hiệu quả cũng như rủi ro của mỗi quyết định. Hệ thống này có chức năng giúp lãnh đạo ra quyết định chứ không quyết định thay lãnh đạo. Không thể “số hóa” lãnh đạo.

Việc thứ hai là phải xây dựng cơ sở dữ liệu. Việc này không khó khăn về mặt khoa học công nghệ, nhưng rất tốn thời gian và công sức. Nhưng điều này như một nguồn tài nguyên của mỗi ngân hàng, chỉ được trao đổi khi cần thiết và luôn luôn phải bảo mật. Nó cũng là một nguồn lực mà ta chỉ cần kiên trì xây dựng thì sẽ càng ngày càng nhiều lên. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần phải tuân thủ theo chuẩn để sau này khi cần xử lý sẽ gặp thuận lợi. Trong cơ sở giữ liệu nên lưu những gì? Có thể nói là nên lưu tất cả những gì cần cho hoạt động ngân hàng nhưng không thể thiếu dữ liệu khách hàng, dữ liệu về đối thủ cạnh tranh tiềm năng, dữ liệu về pháp lý... Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chính là việc ta đã tạo ra được một nguồn thông tin và lưu giữ nó.

Các việc còn lại của ngân hàng ngoại trừ việc vận chuyển tiền mặt đều có thể tự đông hóa hoàn toàn dựa trên việc truyền và xử lý thông tin. Rồi đây, nếu xã hội chấp nhận không sử dụng tiền mặt thì ngân hàng chỉ gồm lãnh đạo và một số nhân viên bảo trì, bảo vệ và tạp vụ... Ngân hàng hầu như không có người.

Đón công nghệ song hành với nâng bảo mật

Với hai chức năng cơ bản của ngân hàng: Chức năng làm trung gian thanh toán và kinh doanh tiền tệ, trong thời đại kinh tế số hóa những hoạt động đó hoàn toàn có thể tự động hóa.

Vì ngân hàng là một hệ thống CNTT nên nó thừa hưởng được tính linh hoạt, tính kết nối, tính minh bạch của các hệ thống thông tin. Việc áp dụng CNTT cho ta khả năng liên kết rất linh hoạt. Chúng ta có thể liên kết các bộ phận khác nhau trong các ngân hàng, liên kết các ngân hàng với nhau, liên kết các ngân hàng trong nước với đối tác ở nước ngoài. Việc liên kết này có lợi ích rất lớn như tăng khả năng thanh khoản, mở rộng thị trường, tăng được các dịch vụ, tăng khả năng xử lý rủi ro.

Hệ thống có tính minh bạch cao vì nó hoạt động hoàn toàn tự động, người ngoài rất khó can thiệp vào khi chưa được lệnh của lãnh đạo. Ban quản trị có thể yêu cầu bất cứ thông tin gì vào bất cứ thời gian nào thì hệ thống cũng có thể tự động trích xuất.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Hệ thống công nghệ của ngân hàng là mục tiêu tấn công của các tin tặc nhằm hai mục đích: ăn cắp tiền và làm tê liệt hệ thống do đối thủ cạnh tranh không lành mạnh chỉ đạo. Vì vậy, vấn đề an ninh mạng của ngân hàng phải đặt lên hàng đầu. Nếu làm tốt công việc này thì ngân hàng không những bảo toàn tốt lực lượng mà còn thu hút thêm được những khách hàng mới, những dịch vụ mới như lưu giữ những đồ vật quý giá, giấy tờ quan trọng hay lưu giữ mã số một khoản tiền lớn của khách hàng.

Một thách thức rất lớn của ngành ngân hàng hiện nay là nếu áp dụng CNTT thì hàng loạt cán bộ ngân hàng buộc phải đi tìm công việc khác. Đây là áp lực lớn cho việc giải quyết việc làm trong phạm vi toàn xã hội và là trở lực để đổi mới công nghệ ngành ngân hàng.

Với đà thuận lợi cho việc áp dụng kinh tế số hóa vào ngân hàng chúng ta có thể dự báo sẽ xuất hiện những ngân hàng ảo mà quy mô hoạt động, cơ sở pháp lý, an ninh... là những vấn đề đang cần lời giải và sự chủ động đón nhận của chúng ta.q

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần