Số hóa và sinh mệnh của báo chí

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới nền báo chí Việt Nam, kéo theo đó là yêu cầu bắt buộc phải thay đổi.

Bởi chỉ khi thay đổi báo chí mới trụ vững trong cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt từ các mạng xã hội.
Báo chí đang… hụt hơi?
Từ vài năm trở lại đây, áp lực cạnh tranh lớn nhất của báo chí trong nước chủ yếu đến từ truyền thông xã hội với những đại diện tiêu biểu là Google hay Facebook. Không chỉ vượt trội về công nghệ so với báo chí truyền thống, những mạng xã hội nói trên còn là nguồn cung cấp thông tin khổng lồ cho khoảng hơn 55 triệu người chỉ tính riêng ở Việt Nam.
Công nghệ số mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng gia tăng áp lực cho các cơ quan báo chí.
Đa dạng về thông tin, tốc độ xuất hiện nhanh đến chóng mặt cùng sức lan tỏa khủng khiếp, do đó không quá khi nói rằng, mạng xã hội đang ngày càng thay thế và vượt trội hơn báo chí trong đúng những chức năng truyền thống của mình.
Xu thế nói trên còn thể hiện rõ qua bức tranh tài chính khi doanh thu quảng cáo, vốn là nguồn sống chính của báo chí đang dần đi xuống theo từng năm thì đối với mạng xã hội, con số này lại đang tăng đều đặn.
Theo số liệu từ Công ty quảng cáo trực tuyến ANTS, tại năm 2010, doanh số thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam là 26 triệu USD với thị phần chủ yếu thuộc về các báo điện tử và trang thông tin trực tuyến, Google chỉ chiếm một phần nhỏ còn Facebook hầu như chưa có doanh thu.
Tuy nhiên, đến 2018, với doanh số thị trường lên đến 550 triệu USD thì cả Google và Facebook đã chiếm tới 70%, báo điện tử và trang thông tin trực tuyến phải chia chác 30% còn lại cùng các mạng quảng cáo trực tuyến khác.
Tình trạng báo động nói trên được dự kiến sẽ tiếp tục được kéo dài khi nhiều nghiên cứu thị trường cho thấy số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, đặc biệt là Facebook sẽ liên tục tăng trưởng ở mức 15 - 20%. Và lẽ dĩ nhiên, số người dùng mới phát sinh thêm nói trên sẽ chiếm phần lớn là độc giả của báo điện tử hoặc trang tin tổng hợp.
Không chỉ vậy, xu hướng quảng cáo trực tuyến được dự đoán sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm tới vẫn sẽ là trên mạng xã hội và công cụ tìm kiếm, mảng miếng mà Facebook và Google đang chiếm hầu hết tập khách hàng.
Nói về sức ép mà cuộc cách mạng 4.0 cũng như internet đang tạo ra cho báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã thẳng thắn khẳng định: Báo chí chính là lĩnh vực mà công nghệ số sẽ giúp tạo ra nhiều ảnh hưởng nhất, tạo ra nhiều thay đổi lớn lao nhất nhưng trên thực tế báo chí lại là những người đi sau cùng về mặt công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn hoặc đã bỏ cuộc hoặc thậm chí chưa từng bắt đầu với cơ hội chuyển mình này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định chính công nghệ số sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt với báo chí. Thời đại kỹ thuật số cũng tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận những kho dữ liệu quan trọng, dẫn đến những phóng sự điều tra mang tính đột phá, khả năng tiếp cận những kho báu tri thức và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Chuyển đổi để không tụt hậu
Việc thực hiện chuyển đổi số được xác định là xu thế tất yếu và không thể tránh khỏi với báo chí Việt Nam, tuy nhiên bắt đầu từ đâu vẫn còn là câu hỏi mà nhiều tòa soạn đặt ra. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đồng hành cùng các công ty công nghệ chính là lời giải.
Hiện tại, Việt Nam đang có những công ty công nghệ số rất mạnh. Không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, họ còn có thể phát triển các nền tảng, các ứng dụng cho báo chí. Nhất là các nền tảng dùng chung cho báo chí.
Một số công ty như vậy đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, công ty Yeah1. Viettel và CMC sẽ có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí, và tất nhiên, với giá cả hợp lý.
Trên thực tế, trong 1 - 2 năm trở lại đây, việc DN công nghệ đưa ra các giải pháp chuyển đổi số cho báo chí không phải là hiếm và hầu hết trong số này đều mang lại hiệu quả rõ rệt khi triển khai trong thực tế. Có thể kể đến như công nghệ cho phép chuyển đổi văn bản thành giọng nói tiếng Việt có cảm xúc trên nền tảng trí tuệ nhân tạo Text-To-Speech của MobiFone. Công nghệ này có thể hiểu văn bản và ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra âm thanh tổng hợp hoàn chỉnh với nhịp điệu và ngữ điệu phù hợp.
Với việc cùng kết nối vào một hệ thống, các báo sẽ tận dụng được bạn đọc của nhau nhằm gia tăng lượng độc giả. Ngoài ra, với nền tảng kỹ thuật cùng mạng lưới sẵn có, Yeah1 sẽ hỗ trợ các báo khai thác bằng các nền tảng quảng cáo, đưa thông tin quảng cáo của các nhãn hàng đến gắn với người dùng...
Trong năm đầu tiên triển khai, Appnews Việt Nam hứa hẹn doanh thu quảng cáo lên đến trên toàn hệ thống là 200 tỷ đồng, đồng thời đảm bảo doanh thu của các báo sẽ tăng thêm khi khai thác mảng ứng dụng trên di động.

"Thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh… " - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi


"Hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của DN. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook..." - Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần