Số lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể nhiều hơn vào cuối năm

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tới tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi dịch Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm 2020.

Ngày 16/7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. 
 Toàn cảnh hội nghị. 
57,3% số người bị giảm thu nhập
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, dịch Covid-19 có giai đoạn đã diễn biến rất nhanh, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 và đầu tháng 5/2020. Vì vậy, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của Nhân dân. 
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới tháng 6/2020, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm. Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng. Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. 
Trong bối cảnh khó khăn chung, toàn ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội. 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực lao động. Do đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thực hiện giãn cách xã hội nên tỷ lệ thất nghiệp chưa bao giờ lại lớn như hiện nay. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 
 Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.
Mặc dù, người lao động đã quay trở lại thị trường lao động sau khi Việt Nam kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước (theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động), nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ sản xuất hàng hóa nhưng không xuất khẩu được, do thị trường tiêu thụ hàng hóa ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. 
Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, mục tiêu cao nhất trong 6 tháng cuối năm là phải nỗ lực phải duy trì thị trường lao động, đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh xây dựng thể chế, phải hoạch định các chương trình, chính sách quốc gia của giai đoạn sau về lĩnh vực lao động. 
Cụ thể, phải quan tâm đến phát triển thị trường lao động, nhất là các địa bàn có doanh nghiệp có FDI, và giày da, điện tử, thủy sản…Điển hình như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Bên cạnh đó, cần phối hợp với các quốc gia để mở lại thị trường lao động, tạo điều kiện cho những chuyến bay để cho công dân ta đi lao động tại nước ngoài. 
Ngoài ra, thực hiện kịp thời các chính sách đến người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, quan tâm các đối tượng còn khó khăn như hộ kinh doanh cá thể, người lao động ngưng việc, làm sao để doanh nghiệp tiếp cận các gói vay dễ dàng…
Cần “tăng tốc” rà soát và mở rộng đối tượng được hỗ trợ
Một trong những việc chưa từng có tiền lệ là Bộ LĐTB-XH đã tham mưu những gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến ngày 13/7/2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân 11.593,816 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.539.858 người và 9.425 hộ kinh doanh. 
Cho đến nay, tất cả các địa phương đã triển khai gói hỗ trợ này. Về cơ bản, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động và hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới cấc đối tượng thụ hưởng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu. 
Mặc dù ghi nhận sự nỗ lực, sáng tạo của các địa phương, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, một số địa phương vẫn quá cẩn trọng trong việc rà soát đối tượng nên còn chậm triển khai gói hỗ trợ này. “Sợ sai là tốt nhưng nếu thận trọng quá dẫn tới trì trệ thì không được” – ông Đào Ngọc Dung nói. Đồng thời yêu cầu, ngoài giải quyết hỗ trợ dứt điểm cho 6 nhóm đối tượng cơ bản thì cần phải tiếp tục rà soát để nhiều người được tiếp cận hơn nữa. Trong quá trình triển khai chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, có giải pháp ngăn chặn trục lợi chính sách.