Số liệu 2.000 trẻ em bị đuối nước một năm chưa đúng thực tế

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, bên lề hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em”, nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Trọng An cho rằng, số liệu Bộ LĐTB&XH công bố 2.000 trẻ em bị đuối nước một năm là chưa chính xác. Thực tế, số trẻ em (TE) đuối nước cao hơn nhưng vì các lý do nên không được cập nhật đầy đủ.

 
Thưa ông, hiện nay, công tác truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đã thay đổi, tuy nhiên, vẫn có đến 2.000 trẻ em bị chết đuối. Ông có ý kiến gì về việc này?
- Đuối nước là vấn đề vô cùng bức xúc ở Việt Nam. Trước đây, hàng năm có 3.500 em bé bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 em bé bị tai nạn thương tích nói chung. Nhưng sau hơn 10 năm chúng ta triển khai các chương trình truyền thông, chương trình quốc gia, can thiệp an toàn cộng đồng, số TE bị chết đuối hàng năm, giảm còn khoảng hơn 2.000 em. Điều đó khẳng định chúng ta đã làm truyền thông rất tốt, từ cộng đồng đến gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Nhưng đến giờ này chúng ta vẫn phải chứng kiến có nhiều TE bị chết đuối. Điều quan trọng là nhận thức của các cấp lãnh đạo. Các chương trình phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đã được trao đổi với Bộ GD&ĐT ngay từ thời kỳ đầu và rất mong muốn có những nội dung được lồng ghép trong chương trình giáo dục. Nhưng rất tiếc, Bộ GD& hạn hẹp về kinh phí. Tuy nhiên, có điều rất hay, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các địa phương đề nghị tùy vào điều kiện kinh tế, cố gắng tổ chức các khóa học bơi, dạy bơi và các kỹ năng an toàn cho TE trong trường học. Và, sử dụng kinh phí địa phương để mở các khóa đào tạo phổ cập dạy bơi cho TE từ 6 – 12 tuổi.
Thực ra, cái khó bó cái khôn. Những tỉnh nghèo có triển khai nhưng không được bao nhiêu. Các tỉnh kinh tế khá như Quảng Ninh, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và TP Hà Nội có quận Thanh Xuân tất cả các trường tiểu học đều được hỗ trợ bể bơi thông minh để dạy bơi cho HS. Như thế rất hay. Khi Nhà nước thiếu kinh phí, chúng ta kêu gọi xã hội hóa, tất cả cha mẹ HS cùng đóng góp.
 Học sinh trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) đang tìm hiểu các kiến thức về phòng chống đuối nước. Ảnh: Thủy Trúc
Theo ông, lý do nào để số trẻ em bị đuối nước giảm đi?
- Trước hết tôi muốn nói, độ tin cậy về số liệu nói chung ở Việt Nam không cao. Có vấn đề TE bị chết đuối ở cộng đồng, gia đình, cánh đồng là đưa ra nghĩa trang, cho nên khả năng ghi nhận vào sổ của trạm y tế của các địa phương bị thiếu hụt. Thứ nữa, mạng lưới công tác viên ở cộng đồng ghi chép số liệu bảo vệ TE nói chung và thống kê các em bị tử vọng do tai nạn thương tích còn thiếu và yếu. Cho nên, số liệu mà Bộ LĐTB&XH công bố độ 2.000 TE bị tử vong do đuối nước một năm có độ tin cậy chưa cao. Nhưng dù sao, so với hơn 5 năm trước là 3.500 em và các năm trước nữa 4.000 – 5.000 thì đã giảm đi một nửa.
Tuy nhiên, số liệu 2.000 TE đuối nước một năm là cao quá, chỉ thua Bangladet có 3.500 – 4.000 em bị chết đuối. Đặc biệt, 3 tỉnh có số lượng TE đuối nước cao nhất đó là Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An. Nếu tính theo tỷ suất, Đắk Nông, Lai Châu, Hà Giang - là những tỉnh nghèo nhưng số TE chết đuối rất nhiều. Chúng tôi đã thống kê, gia đình nghèo, tỉnh nghèo, khu vực nghèo thì tai nạn thương tích cao trong đó có TE bị chết đuối.
Đã từng là Phó Cục trưởng Cục trẻ em, ông có đề xuất những giải pháp nào để giảm số TE bị đuối nước?
- Đuối nước có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là môi trường không an toàn. Trong khi có nhiều cha mẹ rất chủ quan, rất vô ý, vô trách nhiệm đối với con. TE không biết bơi cũng là một nguyên nhân. Trong khi ở New Zeland, Austraylia, em bé biết bơi trước khi biết đi còn ở Việt Nam đang cố gắng phấn đấu dạy bơi cho TE từ 6 tuổi. Ngoài ra, có vấn đề về chưa chấp hành luật pháp khi đi đò, thuyền. Và cuối cùng là sự nghèo đói.
Bơi cứu hộ và bơi cứu đuối là giải pháp rất quan trọng được chúng tôi đặt ra. Tôi có 6 năm làm giám đốc chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho TE đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với cộng đồng. Ví dụ, toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước đây triển khai ở tỉnh điểm dạy bơi cho TE, chỉ cần lưới và 4 cây tre căng ở 4 góc vuông ở sông. Lưới được thả sâu xuống đáy sông để làm bể bơi dạy cho trẻ lớn, cuộn lưới lại cho nông hơn để dạy cho trẻ nhỏ. Bể bơi lưới có thể cuộn mang sang khúc sông khác dạy cho HS ở trường khác. Với cách làm này đã rất nhiều trẻ em biết bơi.
Với sự phối hợp của Hoàng gia Úc, việc dạy bơi cho TE ở Đà Nẵng đạt kết quả rất cao. Tất cả các trường tiểu học ở Đà Nẵng đều có bể bơi lắp ghép là những túi nước khổng lồ từ nguồn hỗ trợ và kinh phí của địa phương. Với cách làm này, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước ở Đà Nẵng giảm đi rõ rệt, từ 60 – 70 nay chỉ còn 3 - 5 em. Và, chỉ trong 3 năm đã có 23.000 TE ở độ tuổi 6 - 12 được học và biết bơi.
Có một điều tôi muốn nhấn mạnh, học bơi, dạy bơi là những kỹ năng. Nhưng chúng ta phải áp dụng được những kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Mọi người đừng nghĩ học bơi được 25m thì mới là biết bơi. Điều quan trọng, chúng ta phải học bơi tự cứu với các phương pháp bơi rất đơn giản. Làm thế nào để em bé có thể tồn tại dưới môi trường nước để người lớn đến cứu, đó là điều chúng tôi mong muốn….
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần