So sánh 3 đại dịch do coronavirus của thế kỷ 21: Bài học về Covid-19 rút ra từ dịch Sars và Mers

PGS-TS Hoàng Thị Lâm - Trưởng Bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng cách phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa Covid-19 và hai đợt dịch viêm đường hô hấp trước kia do coronavirus là Sars và Mers, chúng ta có thể phát hiện được nhiều điểm thú vị, từ đó tìm ra cách kiểm soát virus, hạn chế mức độ lây lan cũng như tìm cách chữa trị hiệu quả cho những người nhiễm virus mức độ nặng.

Ba đại dịch do chủng mới coronavirus

Thế giới đã trải qua hai đại dịch về coronavirus vào năm 2002-2003 (Sars: Severe Acute Respiratory Syndrome) và năm 2011 (Mers: Middle East Respiratory Syndrome). Trong cả hai lần này, nguyên nhân gây bệnh đều do chủng mới của coronavirus. Cuối năym 2019, thêm một đại dịch do chủng mới coronavirus, được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) và được đặt tên Covid-19 “the corona virus disease 2019”.  

 Nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ tại khu vực nguy cơ lây nhiễm cao Covid-19 ở Hàn Quốc. (Nguồn: AP)

Kể từ lần đầu tiên phát hiện vào cuối năm 2019, số lượng người nhiễm Covid-19 đã lan rộng khắp Trung Quốc và các nước trên toàn thế giới với tỷ lệ lây nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong cao. Có thể chúng ta phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới hiểu rõ cơ chế bệnh sinh bệnh nguyên cũng như cơ chế miễn dịch của cơ thể để kháng lại loại virus này. Với bộ gen tương đồng với Sars-CoV và Mers-CoV, cùng với kinh nghiệm điều trị cũng như các dữ liệu qua hai đợt dịch trước, các nhà khoa học đã có thể dự đoán được đáp ứng của cơ thể với các phân tử virus và cách virus né tránh đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Các báo cáo đầu tiên đều cho rằng, có mối liên hệ giữa chợ hải sản Vũ Hán với các bệnh nhân nhiễm bệnh. Ngay lập tức, các nghiên cứu tập trung vào vật chủ trung gian truyền bệnh như dơi, rắn, chim và các động vật nhỏ có vú khác. Tê tê được coi là ứng cử viên tiềm năng cho vị trí loài trung gian của virus bởi trình tự gen của coronavirus từ động vật này tương tự loại virus gây bệnh ở người (giống đến 99%).  

Tuy nhiên, các nhà khoa học không nhận thấy có mối liên quan đặc biệt nào giữa Covid-19 với các động vật này. Song song với việc không xác định được vật chủ trung gian truyền bệnh, các nhà khoa học còn phát hiện 6 bệnh nhân từng du lịch đến Vũ Hán nhưng không có mối liên quan đến chợ hải sản. Thậm chí, một thành viên trong gia đình các bệnh nhân này, bị nhiễm bệnh mà không du lịch đến Vũ Hán.

Điều này dẫn đến kết luận, Covid-19 có thể truyền từ người sang  người qua các giọt đường hô hấp hoặc do tiếp xúc gần. Một nghiên cứu lớn khác đã khẳng định giả thuyết virus có thể truyền từ người sang người bởi vì 200 trong số 277 bệnh nhân không có mối liên quan đến chợ hải sản hoặc tiếp xúc gần với những người có triệu chứng đường hô hấp.

Với tốc độ lây lan nhanh của Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Qua thống kê, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân mắc Covid-19 gần 3%. Mặt dù vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn thấp hơn Sars (9,14%) và Mers (34,4%), nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh và nhiều hơn so với Sars (8.096 trường hợp từ năm 2002) Mers (2.494 trường hợp từ năm 2012). Tính đến 18 giờ ngày 23/3, trên toàn thế giới đã có hơn 349.000 người mắc Covid-19 với gần 15.300 trường hợp tử vong.

 

 Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm hành khách tại sân bay Nội Bài

Mức độ lây lan nhanh của dịch Covid-19 có thể do sự lây lan virus ở những người nhiễm virus không có triệu chứng. Hơn thế nữa, theo tính toán của các nhà khoa học, tốc độ lây truyền của virus trong giai đoạn không triệu chứng là 5 - 40%. Một nghiên cứu khác quan sát 88 trường hợp du lịch đến Vũ Hán cho thấy, giai đoạn ủ bệnh từ 2,1 - 11,1 ngày, trung bình 6,4 ngày, tương tự như Sars-CoV và Mers-CoV. Có báo cáo về thời gian ủ bệnh dài hơn đến 24 ngày, nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi.  

Covid-19 có mức độ lây nhiễm mạnh, khó kiểm soát

Tổ chức Y tế Thế giới ra thông cáo trong ngày 10/2 về vấn đề ủ bệnh dài tới 24 ngày có thể là trường hợp đặc biệt, hoặc có thể do phơi nhiễm 2 lần. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng, Covid-19 là virus nhiệt đới. Bằng cách sử dụng thuật toán để ước tính về số lượng người nhiễm R0 (số lượng người bị lây nhiễm trung bình từ một người bệnh), các nhà khoa học đã ước lượng được số lượng người bị nhiễm bệnh. Nếu R0 >1, lây nhiễm tiếp tục xảy ra. R0 của Covid-19 từ 2,2 - 2,6, tức là mức độ lây nhiễm tăng gấp đôi sẽ xảy ra trong thời gian 6,4 ngày. Như vậy, khi R0 <1, một nửa các trường hợp sẽ được ngăn ngừa hoặc được kiểm soát. So sánh với Sars-CoV (R0<1) và Mers-CoV (R0 với R0 từ 1,4 - 2,5), Covid-19 có mức độ lây nhiễm mạnh hơn nên sẽ khó kiểm soát hơn.   

Phần lớn bệnh nhân Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến phổi, bởi vì đây là bệnh đường hô hấp. Lây nhiễm giữa người và người xảy ra khi tiếp xúc gần do các giọt lơ lửng chứa virus bị phân tán do người bệnh ho hoặc hắt hơi. Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày và trong thời gian này, người bệnh có thể không có triệu chứng. Đây là lý do khiến virus lan nhanh trong cộng đồng.   

Dựa trên số liệu của bệnh viện, khoảng 80% các trường hợp nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số còn lại có triệu chứng nặng hoặc rất nặng. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn do Sars và Mers. Triệu chứng hay gặp của Covid-19 là sốt, mệt mỏi đi kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho, đau họng, khó thở. Mặc dù triệu chứng tiêu chảy gặp ở 20 - 25% bệnh nhân Sars và Mers, tuy nhiên, các triệu chứng về đường tiêu hóa hiếm gặp ở bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh nhân có giảm tế bào lympho và viêm phổi với biểu hiện kính mờ lan rộng ở phổi, có thể quan sát thấy trên phim chụp cắt lớp vi tính. 

 Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân vận chuyển trường hợp F1 (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) đi cách ly y tế tại bệnh viện trong đêm

Khi đi sâu hơn nữa vào miễn dịch, các nhà khoa học phát hiện thấy các bệnh nhân nhập viện có nồng độ cao các cytokin tiền viêm, đặc biệt ở những bệnh nhân nặng. Điều này khá tương đồng với Sars và Mers khi có giảm tế bào lympho và có “cơn bão cytokine”. Có thể đây là vai trò chính của sinh bệnh học của Covid-19. Cái gọi là “cơn bão cytokine”có thể là khởi đầu của nhiễm trùng huyết do virus và tổn thương phổi do viêm dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp cấp tính (ARDS), shock, suy tạng và cuối cùng là tử vong. Hiện tại, tỷ lệ tử vong của Covid-19 khoảng 2,4% do nguyên nhân suy đa tạng đặc biệt ở người già và người có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đái tháo đường.   

Bằng cách phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa Covid-19 và hai đợt dịch viêm đường hô hấp trước kia do coronavirus là Sars và Mers, chúng ta có thể phát hiện được nhiều điểm thú vị, từ đó tìm ra cách kiểm soát virus, hạn chế mức độ lây lan cũng như tìm cách chữa trị hiệu quả cho những người nhiễm virus mức độ nặng. Trong thời gian chờ đợi kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học, chúng ta nên làm gì để có thể hạn chế  mức độ lây nhiễm của virus, góp phần kiểm soát dịch bệnh?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các cá nhân được khuyên hạn chế đến các khu vực trong vùng dịch; nên hủy các chuyến đi không thực sự cần thiết, cho dù đến vùng có dịch hay không, bởi vì khi di chuyển đến những nơi công cộng, đông  người qua lại như sân bay hoặc khi ở trên máy bay, sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng với xà phòng cũng là cách ngăn ngừa virus lây lan. Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi để tránh phát tán các giọt hô hấp có chứa virus (nếu chẳng may nhiễm bệnh thể không triệu chứng); tránh đưa tay lên mắt mũi và miệng để làm giảm tiếp xúc với mầm bệnh.

Ngoài ra, chế độ ăn cũng rất quan trọng, nên ăn chín uống sôi và có chế độ ăn hợp lý đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Và quan trọng hơn cả, không tiếp xúc với những người có triệu chứng đường hô hấp, nên đứng cách xa họ ít nhất 1 mét cũpng là cách giúp hạn chế dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần