Sổ tay kinh tế: Chi phí chưa giảm

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rất nhiều những nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý, địa phương nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được triển khai trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ghi nhận chung cho thấy, những nỗ lực này vẫn chưa thấm nhiều đến nhà đầu tư, DN. Nhiều quy định gây chi phí bất hợp lý nhưng chưa được sửa đổi. Việc tổ chức thực thi pháp luật và các giải pháp cải cách hiện hành có hiệu quả thấp, dẫn đến tình trạng phát sinh chi phí cho DN và gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.
 Ảnh minh họa
Qua những khảo sát, đánh giá của một số tổ chức, cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật kinh doanh nói riêng chưa đổi mới, chưa thay đổi mạnh mẽ, tư duy theo hướng xây dựng thể chế, pháp luật tạo thuận lợi cho DN. Hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật kinh doanh vẫn còn thấp; còn tình trạng chồng chéo trong thẩm quyền quản lý, sự thiếu nhất quán trong thực hiện chức năng quản lý giữa các cấp chính quyền… Thống kê mới nhất cho thấy từ khi gia nhập thị trường, đi vào sản xuất, kinh doanh đến lưu thông phân phối, DN hiện vẫn đang phải chịu 10 loại chi phí bất hợp lý (không bao gồm chi phí do DN tự quyết định). Bên cạnh đó, DN trong nước vẫn đang phải chịu nhiều khoản chi phí cao như vốn (lãi suất vốn vay bình quân đang là 7,9%, trong khi ở nhiều nước chỉ từ 2 - 4%); Chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn của DN chiếm 32,5 - 34,5% trong tổng quỹ lương, trong khi nhiều nước chỉ khoảng 12 - 17%...
Chi phí tăng cao, điệp khúc chỉ tăng mà không giảm chưa có nhiều cải thiện vẫn đang là nỗi ám ảnh của DN. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận DN giảm mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, giảm sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ thể hiện bằng việc giảm các thủ tục hành chính, đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết công việc… mà nó chỉ được cộng đồng DN cảm nhận thông qua việc giảm gánh nặng chi phí không cần thiết, bất hợp lý. Điều này vẫn chưa thể hiện rõ nét trong thời gian qua.
Chính vì thế giải pháp bao trùm để giải quyết vấn đề cắt giảm chi phí cho DN là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, pháp luật, bảo đảm các yếu tố: Đồng bộ, nhất quán, minh bạch, ổn định, cần thiết, hợp lý và hiệu quả… Chỉ khi làm đồng bộ các giải pháp trên, có quyết tâm cao thì chi phí bất hợp lý cho DN mới mong dần được bãi bỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần