[Sổ tay kinh tế] Điều hành giật cục, khó tránh tăng sốc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/4, Liên bộ Công Thương- Tài chính phát đi thông tin về điều hành giá xăng dầu. Trong kì điều hành này, cơ quan điều hành đã quyết định cho phép các DN tăng giá bán tất cả các mặt hàng xăng dầu ở mức từ 1.000 đến gần 1.500 đồng/lít.

Điều này một lần nữa thể hiện kiểu điều hành lúng túng, thiếu chuyên nghiệp. Ở những kỳ điều hành trước, cơ quan chức năng đã xả mạnh quỹ bình ổn xăng, dầu để giữ giá bán mặt hàng này. Nhưng nay quỹ này đã cạn nên giá xăng, dầu điều chỉnh tăng mạnh để... bù vào những lần không tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng lần thứ 2 và 6 đợt giữ nguyên giá bán, xả mạnh Quỹ bình ổn. Các chuyên gia lo ngại, sai lầm khi cố chi quỹ quá lớn để giữ giá bán lẻ đã khiến thị trường phản ứng lại như một cú bật lò xo, tức bị nén quá sẽ bật ra mạnh, giá xăng tăng sốc, kéo theo các mặt hàng khác tăng giá, kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, khi giá điện vừa được phê duyệt tăng 8,36% từ ngày 20/3 thì động thái tăng giá xăng sẽ bồi thêm áp lực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng thêm gánh nặng cho sản xuất - kinh doanh.
Thực tế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành từ việc trích lập 300 đồng/lít xăng, dầu bán ra và phải cân đối với nhu cầu xả Quỹ rất lớn hiện nay. Quyết định xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao quá mức sẽ khiến khả năng dự phòng của Quỹ giảm mạnh, tạo thách thức trong việc ứng phó với biến động giá mặt hàng này trên thị trường thế giới. Điều hành giá như vậy cho thấy tầm nhìn còn ngắn hạn. Việc xả Quỹ bình ổn giá xăng, dầu cần phải được cân nhắc ở những thời điểm quan trọng.
Đặc biệt khi giá xăng tăng cao cùng thời điểm với nhiều mặt hàng thiết yếu khác thì Quỹ này sẽ phát huy được "sứ mệnh" kiểm soát lạm phát. Nói cách khác, lúc cần tăng thì không tăng, lúc không nên tăng cao thì lại tăng rất sốc. Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu không thể tiếp tục rơi vào tình trạng "giật cục", tạo áp lực kép lên nền kinh tế như hiện nay.
Trong tuần, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh đến lạm phát. CPI được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Giám đốc ADB cho rằng việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.
Đặc biệt là tác động ở vòng hai, tức là tác động đến các ngành công nghiệp khác mới là cái cần phải theo dõi kỹ lưỡng hơn vì điện và xăng, dầu là đầu vào quan trọng của ngành sản xuất, qua đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.