Sổ tay kinh tế: Đừng tự đánh mất vai trò

Bá Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong các cam kết quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO là Nhà nước sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN.

Vì thế vai trò của các hiệp hội DN càng được nâng cao. Khi không còn khái niệm “cơ quan chủ quản”, thì nhu cầu cần có đại diện để hỗ trợ, tập hợp tiếng nói của DN đặt lên vai các hiệp hội, hội nghề nghiệp.

 Ảnh minh họa

Cả nước hiện có 52 tỉnh/TP có hiệp hội DN; 55 tỉnh/TP có hiệp hội doanh nhân trẻ; 21 tỉnh/TP có hiệp hội DN nhỏ và vừa (tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc). Số còn lại là các hiệp hội doanh nhân nữ, hiệp hội DN thuộc các ngành nghề. Như vậy, số lượng các hiệp hội, cũng như các hội viên đã gia tăng nhanh chóng từ sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), lần đầu tiên vai trò của hiệp hội DN được đưa vào luật cho thấy các hiệp hội DN, hội ngành nghề, DN đầu tư nước ngoài… là rất quan trọng.

Tuy nhiên, vai trò này được phát huy như thế nào vẫn đang là vấn đề được đặt ra. Theo khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá của các cơ quan chính quyền địa phương, về hoạt động phối hợp với chính quyền tổ chức đối thoại với DN, có khoảng 3/4 tổng số hiệp hội DN đã thực hiện việc này ở mức độ “tốt”; 21% ở mức độ “trung bình” và khoảng 5% ở mức độ “yếu”. Trong hoạt động tham gia phản biện chính sách của các DN ở cấp địa phương được Chính quyền đánh giá ở mức độ “tốt” có 71%; Mức độ “trung bình” có 24%...

Thực tế, các nhóm hoạt động mà các hiệp hội DN hiện đang cung cấp cho hội viên là xúc tiến thương mại, giúp DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm; đào tạo nhân lực; cung cấp thông tin; tư vấn đầu tư. Trong khi việc phản biện chính sách, pháp luật, hỗ trợ các vấn đề pháp lý… còn nhiều hạn chế, mặc dù trong lĩnh vực này, có hẳn một chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành mang tầm quốc gia. Hiện có tới 76% số hiệp hội không có bộ phận chuyên môn về chính sách, pháp luật, việc duy trì liên kết với các tổ chức, đơn vị tư vấn pháp lý cũng khá lỏng lẻo; thông thường là theo vụ việc, không xây dựng được chiến lược dài hơi trong việc tham gia, phản biện chính sách. Thậm chí, khi cơ quan soạn thảo văn bản gửi công văn lấy ý kiến góp ý những dự thảo văn bản pháp luật cũng không mấy mặn mà… Kết quả này đã khiến tiếng nói của hiệp hội đối với các thành viên cũng ít nhiều hạn chế. Không hiếm hiệp hội không thể can thiệp được các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN hội viên.

Có rất nhiều nguyên nhân được đề cập liên quan đến bộ máy tổ chức, kinh phí… cho thấy, để các hiệp hội của DN phát huy tốt vai trò của mình đang còn rất nhiều việc phải làm.