[Sổ tay kinh tế] FDI hai nửa vui - buồn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 20/12, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là con số cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI cũng đạt cao nhất từ trước tới nay, hơn 20,38 tỷ USD. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.
Tuy vậy, trong năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cùng lúc đó, lại không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018. Nếu nhìn vào những số liệu mà Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, cho thấy một điểm đáng chú ý nữa đó là việc về góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký, năm 2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
“FDI là động lực tăng trưởng của Việt Nam và nhà đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, thị trường vừa ổn định, kinh tế mở. Khó tìm được nơi nào như Việt Nam trên thế giới” - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset nói. Đồng thời chuyên gia này cho biết, dòng vốn FDI có sự thay đổi lớn vài năm trở lại đây.
Trước năm 2016, các nhà đầu tư đến Việt Nam rót vốn vào Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh mới. Nhưng từ năm 2016 trở lại đây, vốn FDI chủ yếu chảy vào các thương vụ mua lại và sáp nhập.
Theo ông Jacques Morisset, hiện, FDI vào Việt Nam không còn tạo nhiều việc làm trực tiếp như trước. Các nhà máy có vốn FDI không còn sử dụng nhiều lao động nữa mà thay vào đó là robot. Vì vậy, thay vì chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp (tạo việc làm và xuất khẩu), Việt Nam cần tăng cường kết nối khối FDI với DN trong nước, để tạo việc làm gián tiếp, kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong bối cảnh Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô, có nhiều yếu tố hỗ trợ sản xuất, nhưng DN trong nước vẫn khó khăn và nhiều thương hiệu bị nước ngoài thâu tóm, thì những con số này rõ ràng là đáng suy ngẫm.
Nếu Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và vẫn được đánh giá là nơi đầu tư ổn định, an toàn, tôi cho rằng, đầu tư FDI vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa FDI vào các lĩnh vực mới như nông nghiệp chẳng hạn để tận dụng FDI và tăng cường kết nối với khu vực này.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng mạnh đầu tư ra nước ngoài. Đây là những nhà đầu tư có chất lượng. Nếu biết nắm lấy cơ hội, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng chất lượng dòng vốn FDI.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần