[Sổ tay kinh tế] Hỗ trợ, sẻ chia, nhưng đừng kêu ca, ỷ lại

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng).

Thực hiện chỉ thị của Chính phủ, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng “khủng” hỗ trợ lãi suất cho DN. Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, trước hết là gói hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỷ đồng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Những hỗ trợ này là cần thiết trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN thuộc nhiều ngành nghề đang đình trệ do dịch bệnh. Tuy nhiên, có một thực tế là càng ngày càng nhiều tiếng kêu ca từ phía các DN, chờ được hỗ trợ về những ảnh hưởng của dịch bệnh. Trên trang cá nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, quản trị rủi ro là việc mà bất cứ một tổ chức kinh tế nào cũng phải có trong quá trình hoạt động. Khi mọi việc đang thuận lợi vẫn chuẩn bị nguồn lực và vật lực phòng khi bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có sẵn kịch bản hành động trong tình huống thiên tai, địch họa hay dịch bệnh... lại được Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn bằng cả nguồn lực và chính sách thì chắc chắn sẽ vượt qua.
Có thể thấy, ranh giới giữa sự sẻ chia, trách nhiệm, chủ động đối phó và sự ỷ lại, kêu ca của các DN vốn dĩ cách nhau không nhiều. Trước khi kêu ca, DN hãy tự cứu mình trước khi chờ người khác cứu. Và rủi ro trong kinh doanh là thứ luôn phải nằm trong kế hoạch của mỗi DN - đó mới là sự sòng phẳng của cơ chế thị trường.