[Sổ tay kinh tế] Kỳ vọng gì từ EVFTA?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6/2019, Hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) sẽ được ký kết tại Hà Nội, tạo cơ hội tiếp cận sâu giữa Việt Nam với thị trường gồm 28 nước thành viên của EU.

Theo các nhà phân tích, các ngành như may mặc và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, EVFTA phản ánh vị thế của Việt Nam khi là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN sau Singapore. Hiệp định này loại bỏ 99% thuế hải quan giữa hai bên, trong đó, 65% thuế hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại giảm theo lộ trình 10 năm. 71% thuế xuất khẩu từ Việt Nam qua EU được loại bỏ và phần còn lại giảm dần theo lộ trình 7 năm. Là hiệp định thế hệ mới, EVFTA bao gồm cả những điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững.
Hiệp định này được kỳ vọng sẽ gia tăng trung bình 0,1% GDP thực sự của Việt Nam mỗi năm chỉ nhờ vào các tác động thương mại thuần túy. Khi đi vào thực hiện hoàn toàn, những tiêu chuẩn cao của EVFTA sẽ thúc đẩy tốc độ cải cách và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cao ủy châu Âu ước tính xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu sẽ tăng trưởng vào khoảng 18%. Đầu tư trực tiếp từ châu Âu tới Việt Nam, dưới tác động của Hiệp định, cũng sẽ gia tăng tăng trưởng của Việt Nam, trên cơ sở đầu tư trung bình của Liên minh châu Âu vào Việt Nam đạt trung bình gần 800 triệu USD trong khoảng từ 2010 tới 2017.
Những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong Hiệp định sẽ giúp mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt những hàng dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ. Theo các nhà phân tích của Ngân hàng HSBC, các ngành như may mặc và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định.
Xuất khẩu may mặc và da giày của Việt Nam sang châu Âu đạt gần 9 tỷ USD trong năm 2018 trong khi thuế suất trung bình châu Âu áp cho các sản phẩm này ở mức 9%. Những mức thuế quan này sẽ được dỡ bỏ trong vòng ba năm hoặc ngay lập tức sau khi EVFTA có hiệu lực đối với những hàng hóa ít nhạy cảm.
Bên cạnh những lợi ích, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một ngành công nghiệp dệt may nội địa để có thể tận dụng được hết những lợi ích này. Yêu cầu rất nghiêm khắc về xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm may mặc nhập khẩu vào châu Âu có thể làm giảm các lợi ích đối với Việt Nam khi phần lớn các nguyên liệu chính đều được nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Cùng với sự nỗ lực của DN, việc cung cấp thông tin Hiệp định này cho DN của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết, như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hướng dẫn về cam kết của Việt Nam đối với EVFTA… Ngoài ra, các cải cách triệt để về hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho DN, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu cũng cần được coi là một ưu tiên.