[Sổ tay kinh tế] Làm sao để hút dòng vốn dài hạn?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành chứng khoán năm 2019, hiện nay, tổng tín dụng được cấp qua kênh ngân hàng xấp xỉ 7,5 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP.

Trong khi đó, quy mô TTCK hiện tại ở mức 3 triệu tỷ đồng. Điều đáng nói, con số 3 triệu tỷ đồng là vốn hoá thị trường, còn phần tài sản thật thấp hơn rất nhiều. Phần lớn các DN vốn hoá lớn hình thành từ vốn Nhà nước, một số ít DN huy động được vốn lớn sau này như Vingroup.
Bên cạnh đó, toàn bộ phần trái phiếu DN khoảng 100.000 tỷ đồng hiện nay chủ yếu tập trung tại một số DN như: Vingroup, Masan, Hoàng Anh Gia Lai và số trái phiếu này chủ yếu do các ngân hàng nắm giữ. Việc huy động vốn trung và dài hạn hiện nay vẫn đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Vậy làm sao để vốn huy động qua TTCK không “lép vế” và thực sự cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại? Làm sao để TTCK là nơi cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; cần có thêm các giải pháp nào về sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư tham gia... Đó là hàng loạt câu hỏi đã được các cơ quan chức năng, các thành viên tham gia thị trường đặt ra.
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng, muốn trả lời được các câu hỏi này, TTCK phải được nhà đầu tư quan tâm. Muốn được nhà đầu tư quan tâm, thị trường cần minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của họ khi tham gia thị trường.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng thể chế để TTCK cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng. Các giải pháp cụ thể được đại diện SSI đưa ra là xây dựng các rổ chỉ số linh động hơn, cho phép các định chế tài chính trung gian được tham gia xây dựng chỉ số. Điều này sẽ giúp các chỉ số gắn với thị trường hơn và các Sở Giao dịch chứng khoán chỉ nên giữ vai trò xét duyệt.
Về phía các nhà đầu tư, theo các chuyên gia, họ không sợ thua lỗ mà muốn có môi trường đầu tư công bằng, minh bạch và phải làm sao hài hòa được họ. Đối với nhà đầu tư ngoại, câu chuyện được kiến nghị nhiều nhất là nới room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư, thị trường cũng cần đa dạng hóa bằng việc có thêm nhiều DN niêm yết mới thông qua đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thêm các sản phẩm chứng khoán là cần thiết, ưu tiên phát triển thị trường trái phiếu để DN có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần