[Sổ tay kinh tế]Doanh nghiệp bất động sản hãy tự cứu lấy mình

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo vừa công bố của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho thấy, kết thúc năm 2019, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) dẫn đầu trong nhóm những ngành kinh doanh có tỷ lệ gia tăng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể nhiều nhất (686 DN, tăng 39,4% so với năm 2018).

Tỷ lệ DN BĐS ngừng hoạt động và giải thể gia tăng đã được dự đoán từ trước bởi khó khăn từ thị trường như việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng khi lãi suất gia tăng và các chương trình ưu đãi hạn chế. Bên cạnh đó là sự sụt giảm các dự án mới ra thị trường thời gian qua. Giới kinh doanh BĐS lo ngại, tới đây DN BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn khi Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ 1/1/2020, trong đó giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30%, lộ trình từ 2020 đến 2022.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS toàn ngành ngân hàng năm 2019 đạt mức 8,8%. Mặc dù ở mức thấp hơn so với tăng trưởng chung của tín dụng toàn ngành (khoảng 13,7%) nhưng theo Vụ Tín dụng NHNN, con số này cho thấy, các ngân hàng vẫn tiếp tục mạnh dạn cho vay các dự án BĐS được thẩm định kỹ càng, chứ không hẳn là “đóng cửa”. Trên thực tế, ngân hàng vẫn còn nhiều vốn để cho vay, chỉ cần ngành BĐS khơi thông được điểm nghẽn cốt yếu về mặt pháp lý.
Tương tự, lãnh đạo ở các ngân hàng cũng chia sẻ rằng vốn ngân hàng luôn chờ để "chảy" vào các dự án tốt. Đại diện cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho rằng quan điểm của nhà quản lý là kiểm soát chứ không có nghĩa là “đóng cửa” hoàn toàn với lĩnh vực kinh doanh rủi ro. Theo đó, vấn đề của việc cho vay ra là phải kiểm soát được mức độ rủi ro của dòng vốn. Ngay cả Thông tư 22 có hiệu lực thì trong năm 2020 tình hình với DN BĐS sẽ ổn định hơn.
Thực tế, hiện đa số DN BĐS Việt Nam quy mô khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu từ vay ngân hàng và huy động từ khách hàng, nên khi gặp thị trường biến động không theo kế hoạch sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính và phá sản.
Bên cạnh đó, việc thiếu nghiêm túc khi tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư, đơn vị môi giới tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác động tiêu cực đến tâm lý khách hàng. Do đó, năm 2020 đòi hỏi DN BĐS phải chủ động thích ứng, điều chỉnh chiến lược.
Các DN BĐS cần chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới; đồng thời, cần không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường minh bạch hóa thông tin dưới dự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần