Sở Văn hóa tỉnh Tiền Giang phải giải trình vì sao cấm phổ biến bài hát “Màu hoa đỏ”

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang vừa đưa ra thông báo với các cơ sở kinh doanh karoake cấm lưu hành 354 bài hát, trong đó có bài “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến.

Quyết định này của Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang đã bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn “tuýt còi” và dư luận phản ứng.
 Công văn hỏa tốc của Cục Nghệ thuật biểu diễn
Sáng ngày 24/3, Cục Nghệ thuật Biểu diễn ngay tức khắc ra công văn hỏa tốc số 199/NT-QLBD yêu cầu Sở VHTT&DL Tiền Giang khẩn trương báo cáo về nội dung Công văn số 120/SVHTTDL-TTr đề nghị Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thành thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp phép nội dung kèm theo danh mục 354 bài hát.
Đáng nói là trong danh mục các bài hát được chú thích là “chưa được phê duyệt nội dung và cho phép lưu hành, cấm phổ biến” đi kèm với công văn trên có ca khúc “Màu hoa đỏ” của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Sáng tác này còn được ghi rõ là nhạc đỏ.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đức Đảm – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang cho biết nguyên nhân của việc cấm lưu hành và phổ biến “Mùa hoa đỏ” là bởi ca khúc này khi được sử dụng tại các điểm kinh doanh karaoke có phần hình ảnh thể hiện chưa phù hợp với nội dung.
 
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết “Về thủ tục, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang có quyền phê duyệt nội dung bài hát, nếu không đúng theo nội dung đã phê thì có quyền hủy hoặc cấm sử dụng bài hát đó. Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ xem xét văn bản và dựa trên giải trình của Sở để đưa ra kết luận cuối cùng”. Văn bản giải trình phải gửi về Cục trước ngày 26/3.
Trước thông tin bài hát “Mùa hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến bị Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang đưa ra thông báo cấm các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn lưu hành, phổ biến, vợ của nhạc sĩ – NSƯT Thanh Hương hết sức ngỡ ngàng. Bà cho biết: “Tôi chỉ biết rằng bài hát “Màu hoa đỏ” đã được nhiều thế hệ khán giả Việt Nam yêu mến. Ca khúc thường được biểu diễn trong dịp 27/7 hàng năm. Ca khúc được ra đời trong khoảng thời gian chiến tranh Biên giới phía Bắc cùng dịp với các bài như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sĩ”. Tuy nhiên, từ những năm 1963 – 1964, ông ấy đã ấp ủ và tha thiết viết được một bài hát nói về chiến tranh và người mẹ một cách sâu sắc mà chưa tìm được tứ. Cho đến lúc nhạc sĩ Thuận Yến bắt gặp bài thơ của tác giả Nguyễn Đức Mậu. Hình ảnh màu hoa đỏ đã gợi nguồn cảm hứng cho ông viết nên ca khúc này”. Bài hát hồi tưởng những năm tháng của thời bom đạn. Nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài hát là tri ân với đồng đội, đồng chí đã hy sinh. Gia đình nhạc sĩ Thuận Yến yêu cầu các đơn vị có liên quan sớm có câu trả lời vì lý do gì bài hát này bị cấm lưu hành, phổ biến ở Tiền Giang.