Sóc Sơn thúc đẩy kinh tế trang trại

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, xa khu dân cư là định hướng được huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo nhiều năm qua, với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống cho người nông dân.

Theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 171 trang trại với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là các trang trại nhỏ và vừa, quy mô hộ gia đình.
 Trang trại nuôi chim bồ câu tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn.
Thống kê về loại hình hoạt động, có 107 trang trại trồng cây ăn quả và 64 trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa dịch vụ của các trang trại đạt trung bình gần 480 tỷ đồng/năm. Tổng thu nhập hàng năm của các trang trại đạt khoảng 105 tỷ đồng. Sự phát triển của các loại hình trang trại góp phần đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác lên trên 245 triệu đồng/ha, góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận lớn người nông dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã đạt gần 50 triệu đồng/năm.
Để có được những kết quả tích cực trên, huyện Sóc Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương dồn điền đổi thửa của TP Hà Nội. Sau thành công của dồn ghép ruộng đất, địa phương tạo điều kiện cho thuê, tích tụ đất đai để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nhờ đó, các chủ trang trại yên tâm khai thác, sử dụng đất có hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung…
Mặc dù vậy, việc khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn những rào cản nhất định. Hiện, địa phương chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế trang trại. Quy mô diện tích đất các trang trại còn nhỏ. Nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chủ yếu là vốn hộ gia đình tự có, khó phát triển sản xuất lớn...
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch nông nghiệp, tiến tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển bền vững. Tiếp tục thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại phù hợp với 3 vùng sinh thái. Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ trang trại, nhất là về đất đai, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi... Đặc biệt, huyện Sóc Sơn sẽ đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận để các trang trại được hưởng những chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước…