Sóc Sơn vướng rào cản hạ tầng giao thông

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến đầu tháng 10/2018, huyện Sóc Sơn đã có 18/25 xã về đích nông thôn mới. Đối với 6/7 xã chưa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông hiện đang là bài toán nan giải nhất.

Rào cản về đích huyện nông thôn mới
Nằm ven sông Cà Lồ, xã Kim Lũ là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn về hạ tầng nhất của huyện Sóc Sơn. Đến nay, xã này còn 5/19 tiêu chí chưa đạt, trong đó có hạ tầng giao thông. Dù đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp, tuy nhiên đây vẫn là tiêu chí đạt thấp nhất của xã Kim Lũ. Thống kê toàn xã hiện còn khoảng 9km đường ngõ xóm xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi hệ thống giao thông liên thôn, xã vẫn còn trên 15km rất khó đi…
 Một tuyến đường giao thông nông thôn được chỉnh trang sạch đẹp tại xã Nam Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
Cùng với xã Kim Lũ, 5 xã khác của huyện Sóc Sơn cũng đang gặp khó trên đường về đích vì tiêu chí cần nguồn lực lớn này. Cụ thể là các xã: Xuân Thu, Bắc Sơn, Tân Minh, Việt Long và Minh Phú. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Thu Trang, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, địa phương đã tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của TP, xây dựng, cải tạo, nâng cấp được 72km đường trục thôn xã và trên 191km giao thông ngõ xóm. Dù vậy đến nay, vẫn còn 6/25 xã chưa hoàn thành tiêu chí về hạ tầng giao thông.

Điều đáng nói, căn cứ theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới, đến nay, huyện Sóc Sơn mới đạt 6/9 tiêu chí. Cùng với y tế và văn hóa – giáo dục – môi trường, giao thông là một trong 3 tiêu chí chưa đạt của huyện Sóc Sơn. Đây sẽ là rào cản lớn đối với mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2019 của địa phương này.

Tập trung kinh phí cho mục tiêu về đích

Là một trong những địa phương nằm cách xa trung tâm Hà Nội, xuất phát điểm với nhiều khó khăn, những năm qua, huyện Sóc Sơn đã nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của TP. Tính từ năm 2016 đến nay, cùng với nguồn lực TP hỗ trợ, huyện đã tích cực huy động được tổng kinh phí trên 1.453 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Dù vậy, do là địa bàn có diện tích lớn thứ hai của Hà Nội, lại là một trong những huyện nghèo của Hà Nội thời kỳ trước khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, nên điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ban đầu rất hạn chế.

Nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng lớn, trong khi ngân sách huyện có hạn và nguồn lực đầu tư của TP những năm gần đây cũng rất khó khăn nên dù đã được đầu tư lớn, nhưng cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống giao thông nông thôn nói riêng của Sóc Sơn vẫn còn rất nhiều hạn chế…

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là một trong những giải pháp trọng tâm của huyện. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, đóng góp từ nguồn xã hội hóa cho xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn đứng tốp đầu toàn TP với khoảng 403 tỷ đồng. Trên cơ sở vốn được bố trí từ các nguồn, huyện sẽ tập trung nâng cấp các tiêu chí chưa đạt của 3 xã thuộc kế hoạch về đích năm 2018, trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng điểm đối với hạ tầng giao thông.

Cũng theo kết quả rà soát mới đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn 252km rãnh thoát nước và đường giao thông nông thôn cần được đầu tư xây dựng, với mức dự toán kinh phí khoảng 320,3 tỷ đồng. Nguồn lực trên vượt quá khả năng cân đối của địa phương. Do đó, bà Vi Thị Bình Anh kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, xem xét bố trí kinh phí để huyện Sóc Sơn hoàn thành tiêu chí hạ tầng giao thông, góp phần hiện thực hóa mục tiêu về đích “Huyện nông thôn mới” vào năm 2019.