Sớm đưa Đông Anh thành quận văn minh, hiện đại

Trọng Tùng - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 31/7, huyện Đông Anh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu, cùng đại diện một số sở, ban ngành.

Huy động 7.523 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới 
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02, đến nay, huyện Đông Anh đã có 22/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); riêng xã Dục Tú đã xây dựng lộ trình về đích trong năm 2019. Huyện Đông Anh cũng đã được Chính phủ trao bằng công nhận “Huyện nông thôn mới” năm 2016 và là địa phương thứ 2 trong tổng số 4 huyện của Hà Nội có được vinh dự này. 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm gian hàng bên lề hội nghị
Cùng với kết quả xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 1,5%/năm; thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt 250 triệu đồng.
Huyện cũng đã xây dựng thành công thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Đông Anh”, cùng một số nhãn hiệu tập thể như: “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”, đậu làng Chài xã Võng La, “Quất cảnh Tàm Xá” xã Tàm Xá và “bún Mạch Tràng” xã Cổ Loa. 11 trang trại chăn nuôi an toàn tiêu chuẩn VietGAP, 200 trang trại trên địa bàn cũng vận hành hiệu quả, mang lại giá trị cao…
Bên cạnh đó, diện mạo nông thôn huyện Đông Anh ngày một sáng xanh sạch đẹp. Bằng nguồn lực đầu tư lớn, toàn huyện đã xây dựng, cải tạo gần 800km đường giao thông, thủy lợi nội đồng; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn và 8 trung tâm văn hóa xã. Hỗ trợ cải tạo, xây dựng 734 nhà ở cho người có công với cách mạng; 318 nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, qua đó, giải quyết xong nhà dột nát cho người có công và hộ nghèo trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,9% còn 1,15%. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi: Từ 20 triệu đồng/năm (2010), lên 47 triệu đồng/năm (cuối năm 2018); dự kiến năm 2019, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/năm.
Có được kết quả trên, bên cạnh sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể Nhân dân, còn phải kể tới nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM rất lớn. Từ năm 2011 đến nay, huyện Đông Anh đã huy động được 7.523 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 02. Trong đó, nguồn lực xã hội hóa do tổ chức, DN, hợp tác xã và Nhân dân đóng góp trên 344 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tập trung nguồn lực đưa Đông Anh thành quận 
Dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình số 02 tại huyện Đông Anh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Nguyễn Văn Quang thẳng thắn nhìn nhận, phần lớn sản xuất nông nghiệp củađịa phương còn ở quy mô nhỏ. Ứng dụng công nghệ cao và liên kết trong sản xuất còn hạn chế; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Chính sách khuyến khích phát triển nghiệp chưa đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở một số xã chưa quan tâm, nhiệt tình, trách nhiệm trong xây dựng NTM. Nguồn lực đầu tư cho NTM chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước. Một số tiêu chí tỷ lệ đạt còn thấp, thiếu bền vững như: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của huyện Đông Anh trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, huyện đã chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, kịp thời xây dựng các chương trình với lộ trình, cách làm phù hợp với tình hình địa phương; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá của từng giai đoạn; tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, ủng hộ tích cực của Nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình 02 của Đông Anh không của riêng huyện mà còn là bài học thiết thực cho các địa phương của Hà Nội trong thực hiện Chương trình 02. Huyện Đông Anh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới; đã chọn quy hoạch đi trước một bước là rất khoa học trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; quá trình thực hiện bài bản giữa hạ tầng kinh tế - xã hội, bám sát vào quy hoạch của Thủ đô nên xây dựng nông thôn mới đồng bộ với các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận... “Bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được hôm nay của Đông Anh là quá trình nỗ lực liên tục cùng công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và Nhân dân trong huyện” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện Chương trình số 02
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp...
Về xây dựng nông thôn mới, huyện cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để huy động được nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện Chương trình; nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, nhất là những cá nhân có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiệm cận tiêu chí phường và quận; hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững; tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các đề án thành phần trong Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh trở thành quận.
Để nâng cao đời sống người dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Đông Anh tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của TP về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn… TP ghi nhận và đánh giá cao Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận với hệ thống giải pháp thiết thực được thể hiện thông qua 12 đề án thành phần, 24 đề án xây dựng xã thành phường... Qua đó, không chỉ tạo diện mạo mới cho huyện mà còn bảo đảm xây dựng địa phương thành quận đô thị hiện đại, bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần