Sớm giải tỏa ách tắc cho sản xuất, kinh doanh

Nguyên Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong vấn đề tăng trưởng. Trước mắt là cần giải quyết ngay những quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh” - đây là chia sẻ của GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

 GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I/2019 là 6,58%, giảm so với cùng kỳ năm 2018. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?
- Động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và tiêu dùng nội địa, thặng dư thương mại. Tính đến hết tháng 2/2019, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học của thương hiệu toàn cầu này chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều mức 38,3% năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng giảm 7,3% so với 2 tháng đầu năm 2018.
Đáng lưu ý, Samsung sụt giảm doanh số và lợi nhuận chủ yếu ở mảng sản xuất chip nhớ mà sức tiêu thụ được dự báo sẽ chậm lại trên phạm vi toàn cầu trong năm 2019. Với Formusa, DN này đã vận hành chính thức cả hai lò cao trong năm 2018, tạo nên mức doanh thu ước đạt hơn 2,6 tỷ USD.
Mục tiêu doanh thu năm 2019 là 3,4 tỷ USD cao hơn năm 2018 nhưng phần đóng góp cho tăng trưởng GDP của DN này chắc chắn khó đạt được như năm ngoái. Kịch bản cũ tăng trưởng nhờ vào khối FDI lại lặp lại còn sự thay đổi về chất trong tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chỉ là kỳ vọng.
Ông nhận định ra sao về khả năng tăng trưởng GDP của năm 2019?
- Năm 2019, Việt Nam sẽ có những “vùng màu xám” từ nội tại của nền kinh tế. Các vấn đề có thể nhìn thấy đó là sự đình trệ trong các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN không đạt chỉ tiêu; hoạt động đầu tư công gần như không có dự án lớn được triển khai. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng còn chịu nhiều sức ép; dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng... Ngoài ra, các tồn tại, thách thức của nền kinh tế khi mà giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Cùng với đó, số lượng DN thành lập mới giảm, số lượng DN phải giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh.
 Sản xuất bảng mạch điện tử chất lượng cao tại Công ty Meiko, Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Thanh Hải
Trong bối cảnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp khó khăn trong phát triển. Tôi cho rằng tăng trưởng năm 2019 nếu đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cũng là sự cố gắng rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khu vực kinh tế tư nhân. Ông đánh giá sao về sự phát triển của DN tư nhân trong nước?
- DN tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay đạt doanh thu hơn 4 tỷ USD nhưng chuyển nhượng bất động sản chiếm tới 68% con số này. Trong khi các DN nhỏ và vừa ngày càng teo tóp, nhóm DN lớn vẫn "phình to". Điều này thể hiện các “đại gia” Việt Nam này đã không thể hiện được vai trò lan tỏa, dẫn dắt, thậm chí không loại trừ khả năng trở thành thế lực chiếm dụng cơ hội tiếp cận nguồn lực của nhóm yếu thế. Đã có nhiều cảnh báo về nhóm DN tư nhân thân hữu, những vòi bạch tuộc chiếm dụng nguồn lực. Điều này rất cần được xem xét.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6,8%, chúng ta cần có những giải pháp nào, thưa ông?
- Trong khi chính sách trọng cầu dựa trên việc Chính phủ gia tăng chi tiêu của mình hoặc bơm thêm sức mua thông qua việc tăng cung tiền thì chính sách trọng cung là hướng tới cải thiện các nền tảng của thị trường, nền kinh tế, giúp tăng sản xuất, hạ chi phí và giá cả từ đó làm tăng sức mua và sản xuất của nền kinh tế. Thời gian qua, chúng ta vẫn trọng cầu, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên chính sách này chỉ mang tính nhất thời.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng kịch bản đã đề ra. Đặc biệt, các bộ, ngành phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế. Phải huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất theo cơ chế thị trường, đảm bảo công bằng, minh bạch. Đặc biệt trong vấn đề thể chế, Thủ tướng đã nhận rõ những rào cản, trì trệ đến từ sự chậm trễ của các cơ quan Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế là số một và yêu cầu trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, cởi bỏ ngay một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!