Sớm khắc phục chồng chéo, đảm bảo hiệu quả quản lý kinh tế tập thể

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đại diện lãnh đạo một số bộ ngành T.Ư, địa phương và hợp tác xã (HTX) tiêu biểu…
Quang cảnh hội nghị.

Thu nhập lao động HTX tăng gần 3,9 lần
Nhận thức vai trò quan trọng của các HTX, thời gian qua Chính phủ đã sửa đổi và ban hành nhiều chính sách mới, cải thiện môi trường thể chế liên quan đến KTTT như: Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012; Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg; Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 445/QĐ-TTg…
Từ năm 2003 - 2018, ngân sách Nhà nước đã bố trí 398 tỷ đồng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho 260.000 lượt cán bộ phi nông nghiệp; gần 231 tỷ đồng hỗ trợ 2.000 HTX phi nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX các tỉnh, TP đã thực hiện cho vay đối với 6.000 HTX phi nông nghiệp với doanh số 7.400 tỷ đồng. Hơn 200 tỷ đồng cũng đã được bố trí hỗ trợ các HTX đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh…
Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, số lượng HTX phi nông nghiệp liên tục tăng. Tính đến đầu năm 2019, cả nước có 8.744 HTX phi nông nghiệp với 3,1 triệu thành viên, tăng hơn 2 lần so với năm 2003. Giá trị tài sản của các HTX hiện đạt khoảng 158.643 tỷ đồng, tăng 7,2 lần so với cuối năm 2003.
Đáng chú ý, doanh thu và lãi bình quân của các HTX phi nông nghiệp liên tục tăng; đến đầu năm 2019, bình quân 1 HTX có doanh thu 8,5 tỷ đồng và lãi 0,48 tỷ đồng, tăng từ 2 - 5 lần so với năm 2003. Khu vực HTX phi nông nghiệp đang tạo việc làm cho trên 1,7 triệu lao động. Thu nhập bình quân của lao động HTX phi nông nghiệp tăng gấp 3,9 lần, từ 15,2 triệu đồng/năm (2003) lên 59,1 triệu đồng/năm (đầu năm 2019).
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Sự phát triển của các HTX phi nông nghiệp trong 15 năm qua đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của tiến trình tái cơ cấu kinh tế, trở thành chỗ dựa cho kinh tế hộ, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với DN và hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thăm quan gian trưng bày đồ gốm sứ bên lền Hội nghị.
Dù vậy, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, KTTT, HTX nói chung và trong lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Nhiều bộ ngành, địa phương chưa có chính sách thu hút cán bộ có năng lực về công tác tại các HTX phi nông nghiệp. KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, chưa đủ sức đảm nhiệm tốt vai trò cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa…
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX phi nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về phát triển KTTT, HTX. Hàng năm tổ chức tiếp xúc giữa chính quyền với các HTX phi nông nghiệp để đánh giá hiệu quả hoạt động, nắm bắt khó khăn, kịp thời tháo gỡ.
Đảm bảo thực hiện triệt để, có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất từ T.Ư đến địa phương nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý. Đối với những HTX hoạt động kém hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ củng cố tổ chức bộ máy; đào tạo, nâng cao năng lực quản trị…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển KTTT khu vực phi nông nghiệp. Đồng thời, rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tế.
Trong đó, quan tâm, đẩy mạnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; thống nhất cơ chế HTX thế chấp để vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất, bổ sung nội dung phát triển KTTT, HTX trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới.