Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 1

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở thời điểm hiện tại rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý thị trường vàng. Cụ thể là cần có sự liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế, xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 2

Giá vàng tuần qua tăng liên tục tăng lên mức kỷ lục mới 82,5 triệu đồng/lượng sau đó bất ngờ giảm mạnh rồi phục hồi nhẹ lên 81 triệu đồng/lượng. Ông nhận định diễn biến sắp tới thế nào?

- Giá vàng biến động liên tục, sau khi giảm mạnh 20 USD, sau đó lại đảo chiều đi lên trong 24 giờ qua. Cộng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ có nghĩa họ vẫn duy trì lãi suất cao. Do đó, giá trị đồng USD vẫn ở mức cao. Giá trị USD cao sẽ đẩy giá vàng lên, vì vàng được tính bằng USD; Xung đột chính trị vẫn tác động đến giá vàng. Sắp tới là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ... cũng tác động rất mạnh đến chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước, qua đó ảnh hưởng đến giá vàng.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 3

Ở trong nước, giá vàng ngoài theo xu hướng vàng thế giới còn được điều hòa bởi cung cầu, chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhập khẩu vàng đáp ứng nhu cầu. Nguồn cung - cầu vàng trên thị trường không dồi dào nên khi xuất hiện lực mua hoặc bán sẽ làm cho giá tăng, giảm đột biến hơn.

Bên cạnh đó, tại thời điểm này, thị trường USD tự do vẫn biến động tăng cũng tác động đẩy giá vàng lên. Cộng hưởng các yếu tố trên cho thấy thị trường còn biến động.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 4

Câu chuyêṇ giá vàng trong nước đắt hơn thế giới không còn mới nhưng khoảng cách này ngày càng được nới rộng. Nhiều ý kiến cho rằng, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa được sửa thì giá vàng trong nước chưa “ổn”, còn tình trạng cao hơn thế giới, ông có đồng tình với quan điểm này?

- Đúng vậy, giá vàng trong nước đang nhận được cú hích từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, xu hướng mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tiêu thụ của người dân. Dù theo xu hướng thế giới nhưng không liên thông và tăng đồng điệu với nhau.

Vì vậy, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và tất nhiên mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn sẽ rất cao, cộng với chênh lệch mua - bán cao là rủi ro cho người mua.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 5

Vừa qua tình trạng vàng nhẫn khan hàng, nguyên nhân nào thưa ông? Có thực sự thiếu hàng hay không, nhiều ý kiến cho rằng giá vàng trong nước đang bị đầu cơ, làm giá. Quan điểm của ông thế nào?

- Nghi vấn vàng bị làm giá được đặt ra khi giá vàng quốc tế tăng vài chục USD, tương đương chỉ vài trăm ngàn đồng/lượng nhưng vàng trong nước lại tăng, giảm đến cả triệu đồng. Những tay đầu cơ luôn tận dụng thị trường không ổn định để tạo ra “sóng” họ làm giá.

Nguồn cung vàng miếng SJC trở nên khan hiếm, và tính thanh khoản cao hơn so với vàng nhẫn và vàng trang sức, nên giá thường cao hơn thế giới. Tuy nhiên với vàng nhẫn, gần đây có tốc độ tăng rất nhanh, hơn cả vàng miếng và khan hàng là hiện tượng khá mới mẻ cần quan sát.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 6

Kiến nghị nhập khẩu vàng nhưng nếu NHNN cho nhập khẩu vàng chính thức, một lượng ngoại tệ cũng sẽ được chi ra từ hệ thống ngân hàng để thanh toán. Việc nhập khẩu vàng bằng con đường chính thức hay không chính thức cũng đều tác động lên cung cầu ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá. Đây cũng chính là thế “tiến thoái lưỡng nan” mà NHNN gặp phải?

- Có lẽ NHNN không bị dồn vào thế đó đâu. Trong bất cứ trường hợp nào dù nhập khẩu hay không thì cũng mất ngoại tệ. Đương nhiên nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô, song vị thế dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 7

Điều quan trọng nhất, như chúng ta thấy, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức.

Chênh lệch của vàng miếng SJC với thế giới vẫn ở mức quá cao nên khó ngăn chặn được hoạt động buôn lậu. Để nhập khẩu vàng tiểu ngạch hay buôn lậu thì những người đầu cơ sẽ "gom" USD ở thị trường tự do. Nhu cầu lên cao sẽ khiến giá USD nhảy vọt. Hơn nữa, khi giá USD tự do gia tăng cũng sẽ phần nào tác động đến tỷ giá hối đoái tại các ngân hàng thương mại vì có thể một phần nào đó nguồn USD từ ngân hàng cũng sẽ chảy ra thị trường tự do khi có sự chênh lệch giá.

Do đó, tôi đề nghị NHNN nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới đồng thời kiểm soát việc mua vàng của họ bằng quota trong một năm. Nếu có nhiều nguồn cung, không loại vàng miếng nào được Nhà nước bảo hộ, các loại vàng được cạnh tranh sòng phẳng, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa, giá vàng sẽ ổn định vì không còn tình trạng khan hiếm do độc quyền.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 8

Ông từng đề xuất phát hành chứng chỉ vàng, Hiệp hội kinh doanh vàng cũng đề xuất lập sàn vàng. Nhưng nhiều ý kiến lại lo ngại sự biến động bất thường của thị trường vàng. Bởi nếu giá vàng tăng cao đột biến, người dân kéo đến rút vàng, liệu NHNN có đủ tiền mua lại vàng để trả lại cho dân. Và với số vàng NHNN huy động sử dụng như thế nào cũng là một vấn đề?

- Về lâu dài, một giải pháp nhằm tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế là thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép NHNN thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.

Với phương pháp này, NHNN có thể huy động được số vàng rất lớn và cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Sau đó, Bộ Tài chính có thể lấy vàng làm tài sản bảo đảm để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, giúp chúng ta biến vàng thành ngoại tệ phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 9

Phía Bộ Tài chính dùng tài sản bảo đảm này vay vốn từ nước ngoài, phục vụ cho phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu thuế rất tốt. Như vậy, chúng ta sẽ không sợ những chi phí phát sinh về vấn đề lãi. Theo quan điểm của tôi, khối lượng vàng không bị luân chuyển mà vẫn nằm ở lãnh thổ Việt Nam, nhưng điều quan trọng là nằm ở khâu huy động vàng.

Đặc biệt, việc Chính phủ xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia cũng là bước tiến quan trọng trong việc tạo dựng thị trường vàng minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp tại Việt Nam. Sàn vàng này sẽ cung cấp một nền tảng để những thông tin liên quan đến giá cả, giao dịch mua bán được công bố rộng rãi.

Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy, nhiều quốc gia quản lý thị trường vàng rất tốt bằng cách biến vàng là sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất.

Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... Đây là các nước chủ yếu nhập khẩu vàng (không sản xuất vàng) song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vàng nội địa.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 10

Ngoài tác động tới tỷ giá, giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với thế giới gây hệ lụy gì cho nền kinh tế? Theo ông cần lời giải nào cho các bài toán vàng và USD? NHNN phải sửa Nghị định 24 thế nào?

- Hiện giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn bình ổn. Tại thời điểm này chưa ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả. Nhưng với chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng. Vì giá vàng tăng, giá USD tự do đã tăng đẩy giá thị trường chính thức, ảnh hưởng tới thanh khoản USD của nền kinh tế.

Cơ quan quản lý đã có động thái hút tiền về để giảm chênh lệch lãi suất của VND với USD nhằm hạn chế đầu cơ tỷ giá. Tuy nhiên cơ quan quản lý cần phải xem xét bình ổn cả giá vàng trong nước, ngăn chặn được hoạt động buôn lậu.

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 11

Chắc chắn, NHNN sẽ cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24. Các sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Hy vọng sẽ có sự thay đổi để thị trường vàng ổn định, vận hành lành mạnh theo quy luật của thị trường. Sửa đổi Nghị định 24 một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được nguồn vàng chính thức.

Sự tồn tại của thị trường vàng minh bạch, được quản lý tốt sẽ khuyến khích sự tham gia của các nhà kinh doanh vàng, tạo điều kiện cho việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực vàng trong nền kinh tế. Thông qua việc cung cấp cơ sở dữ liệu chính xác, kịp thời về giá vàng cũng hỗ trợ Chính phủ, NHNN trong việc đưa ra các quyết định chính sách phù hợp, kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sớm liên thông với quốc tế, xóa bỏ độc quyền vàng miếng - Ảnh 12

17:24 16/03/2024