Sớm thành lập Uỷ ban Năng suất Quốc gia

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chìa khoá để tăng trưởng GDP, tránh nguy cơ Việt Nam "bị bỏ lại xa hơn" với các quốc gia khác trên thế giới chính là cải thiện năng suất lao động...

Sáng nay (7/8) tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, tham dự sự kiện. 

 Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực
Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.
Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng chú ý là, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Năng suất lao động của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế; bằng 30,4% khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% các ngành dịch vụ, do đa số lao động trong khu vực này làm các công việc giản đơn, có tính thời vụ, không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất thấp, kéo toàn bộ năng suất lao động chung của toàn ngành kinh tế xuống. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhưng còn chậm, tăng năng suất nội ngành chưa đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế. Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập là các yếu tố khiến năng suất lao động Việt Nam còn thấp.
“Trong bối cảnh CMCN 4.0, đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp, thì thường không cao và thiếu bền vững”- Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, muốn tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động. Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam  để bắt kịp các nước trong khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần