Sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 địa phương ven biển về triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến về IUU 

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam vào ngày 23/10/2017, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng ngư dân và DN thủy sản đã tích cực triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản năm 2017, ngày 21/11/2017, đảm bảo tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC.
Công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU được quan tâm thực hiện; nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ T.Ư đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao. Kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương; Hợp tác quốc tế và tham gia các Hiệp định, Công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.

Triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, tính đến tháng 5/2018, đã có 22 trên tổng số 28 tỉnh, TP ven biển ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU. Đồng thời tổ chức, chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường thực hiện các biện pháp để quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác bất hợp pháp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực hiện khuyến nghị của EC không chỉ là việc gỡ bỏ thẻ vàng mà mục đích lớn hơn là xây dựng ngành kinh tế biển bền vững. “9 khuyến nghị của EU là những nội dung tích cực, trùng với định hướng chỉ đạo để xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững, hiệu quả. Sau thời gian dài phát triển nhanh về bề rộng thì đã đến lúc cần phải chuyển sang 1 nghề cá khai thác có trách nhiệm bền vững, đảm bảo trụ cột về kinh tế cho đời sống của ngư dân, đảm bảo trụ cột về môi sinh, an toàn; đảm bảo trụ cột về môi trường bền vững, trong đó bao gồm cả sinh thái, khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành T.Ư, 28 tỉnh, TP ven biển quán triệt triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không thực hiện theo quy định. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Bộ, ngành, địa phương, không để EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, đồng thời coi đây là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của quốc tế.