Bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng: Sớm tháo gỡ vướng mắc về pháp lý

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - BĐS du lịch – nghỉ dưỡng vẫn được coi là phân khúc đầy hấp dẫn đối với những DN đầu tư. Nhưng theo đánh giá, phân khúc BĐS du lịch đang phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng, một phần do những vướng mắc về thủ tục hành chính.

Chuyên gia Vũ Quang Vinh – Hiệp hội BĐS Việt Nam
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Vũ Quang Vinh – Hiệp hội BĐS Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông có đánh giá thế nào về tình hình phát triển của phân khúc BĐS du lịch trong năm 2019?
- Đánh giá một cách tổng thể, năm 2019 tiếp tục là giai đoạn đi xuống. Đây cũng là một năm đầy biến động của phân khúc BĐS du lịch, được đánh dấu bằng mốc sự kiện “vỡ trận” của dự án Cocobay Đà Nẵng, kéo theo những hệ lụy lớn. Khách hàng mất niềm tin vào các dự án condotel, khiến cho thị trường vốn dĩ đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn.
Nhưng đánh giá một cách khách quan, sự “đổ vỡ” của Cocobay Đà Nẵng không phải mốc sự kiện đánh dấu sự đi xuống của phân khúc này, mà tín hiệu đi xuống đã có từ năm 2018 với sự suy giảm của một số thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... Do vậy, sản phẩm condotel khuynh đảo thị trường trong giai đoạn 2016 – 2017 đã có sự giảm sút mạnh, mức tiêu thụ được ghi nhận trong năm 2019 đã giảm trên 60% so với giai đoạn trước đó.
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn này, thưa ông?
- Câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại là vấn đề pháp lý. Sản phẩm BĐS du lịch có thể tạm được phân ra làm 3 loại gồm: Căn hộ khách sạn – condotel, biệt thự và villa nghỉ dưỡng. Hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh các sản phẩm này chưa được rõ ràng, đặc biệt là đối với sản phẩm condotel vẫn chưa có bất cứ một quy định nào, mặc dù đã trải qua 10 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam.
Nhưng câu chuyện pháp lý chỉ là một phần, còn lại do chủ đầu tư quá ham lợi nhuận mà bất chấp tính khả thi của những cam kết đối với khách hàng. Thông qua kênh huy động vốn, nhiều chủ đầu tư đã tận dụng để phát triển dự án nhưng sau đó lại không thực hiện đúng cam kết. Và câu chuyện tại Cocobay Đà Nẵng là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, trong năm 2019, Nhà nước đã thực hiện việc kiểm tra, rà soát hàng loạt các dự án BĐS trên cả nước khiến cho việc cấp phép bị đình trệ, nên dự án cũng không thể triển khai theo đúng kế hoạch. Còn vấn đề về vốn đầu tư, theo tôi đó không phải là tác động chính.
Theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục những khó, khăn trên?
- Năm 2020 dự kiến sẽ có nhiều bộ luật liên quan đến đất đai, đầu tư – xây dựng được trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Nhưng việc sửa đổi, bổ sung có phù hợp với điều kiện thực tế khi đi vào thực hiện tại thời điểm đó hay không lại là vấn đề khác. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng rằng khi được thông qua thì sẽ giúp cho thị trường được quản lý và phát triển một cách rõ ràng hơn.
Vì vậy, giải pháp vẫn là cần sớm hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, giúp chủ đầu tư và người dân có định hướng, xác định được lộ trình, kế hoạch kinh doanh. Đồng thời hành lang pháp lý rõ ràng cũng sẽ giúp cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, tránh trường hợp DN làm chủ cuộc chơi rồi lại tự ý từ bỏ, thay đổi cam kết mà không phải chịu trách nhiệm gì.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần