Sơn Hà tiên phong xã hội hóa phát triển điện mặt trời

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là DN tiên phong trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Sơn Hà đang sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm điện áp mái chất lượng quốc tế, hiệu suất cao, độ bền, tính ổn định và an toàn.

Mới đây, Sơn Hà đã hợp với EVN HANOI triển khai điện áp mái trên địa bàn TP. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân khẳng định, việc hợp tác này DN không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ mong muốn Hà Nội đảm bảo an ninh năng lượng và hỗ trợ người dân dùng điện an toàn, tiết kiệm. 
Đầu tư điện áp mái, lợi cả đôi đường
Tập đoàn Sơn Hà trong hành trình 21 năm phát triển luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng thương hiệu 100% Việt Nam, phục vụ cho đất nước và mọi gia đình Việt. Nhằm mang lại lợi ích cho khách hàng sử dụng điện, Sơn Hà đã nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị về năng lượng mặt trời.
Lãnh đạo EVN HANOI và Tập đoàn Sơn Hà ký kết hợp tác phát triển điện mặt trời áp mái trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Khắc Kiên
Trước lời kêu gọi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động các đối tác xã hội hóa cùng hợp tác phát triển năng lượng tái tạo Sơn Hà đã tích cực tham gia. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Hoàng Mạnh Tân đánh giá, triển khai điện áp mái trên địa bàn Hà Nội là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, góp phần giảm sức ép cho ngành điện, vừa cung cấp thêm những lựa chọn tối ưu về điện năng cho khối DN và người dân.
Thực tế, vấn đề năng lượng đang rất thiếu để phục vụ phát triển công nghiệp. Đặc biệt khi làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất về Việt Nam dẫn đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung điện là rất lớn. Điều này sẽ gây thiếu điện trong ngắn hạn. Để giải quyết vấn đề này Chính phủ đã đầu tư rất lớn phát triển điện.
Tuy nhiên, trong hệ thống phát điện hiện tại sẽ phải sử dụng nhiều nguồn năng lượng mà không tái tạo như nhiệt điện (có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường). Vì thế, gần đây Chính phủ chủ trương khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Song, việc lắp đặt, hay xây dựng các nhà máy điện mặt trời tập trung ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang gặp phải vướng mắc chưa đầu tư kịp hệ thống truyền tải điện. Khi nhà đầu tư hoàn thành các nhà máy phát điện, EVN cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để truyền tải điện về nơi tiêu thụ.
3 lợi ích khi sử dụng

Xuất phát từ thực tế trên, Sơn Hà đã nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Hoàng Mạnh Tân cho biết, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, mạng lưới điện phân tán điện mặt trời ở trên các mái nhà dân, hay cơ sở sản xuất kinh doanh là đầu tư có hiệu quả nhất.
Theo ông Tân, đầu tư cho điện áp mái có 3 lợi ích. Thứ nhất, lợi ích của chính người dân khi xu hướng giá thành điện ngày càng tăng lũy tiến theo bậc thang, lúc đó lắp điện áp mái sẽ giảm tải điện lưới và giảm giá thành sử dụng. Theo tính toán khi sử dụng ở miền Nam chỉ 4 - 5 năm, miền Bắc là 5 - 6 năm là có thể thu hồi vốn đầu tư. Độ bền của pin mặt trời từ 25 năm trở lên. Thứ hai, lợi ích của Nhà nước, bởi nếu Chính phủ đầu tư các hệ thống truyền tải, phát điện sẽ phải dùng rất nhiều kinh phí từ ngân sách. Trong khi nếu phát triển điện áp mái theo phương thức xã hội hóa nhà nước sẽ tiết kiệm được kinh phí đầu tư. Thứ ba, lợi ích của DN, như Sơn Hà lắp đặt phát triển và có dịch vụ lưới điện phân tán cho người dân làm chủ nguồn điện của mình. Lợi ích cho mỗi hộ dân, mỗi hộ kinh doanh trước đây chỉ là đơn vị tiêu thụ điện thì bây giờ đóng vài trò vừa tiêu thụ điện, vừa cấp điện, thậm chí là bán điện.
Ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng, TP Hà Nội là nơi tiêu thụ điện lớn, nếu phát triển điện mặt trời sẽ giảm gánh nặng cho điện lưới quốc gia. Do đó, khi hợp tác với EVN HANOI, Sơn Hà cam kết cung cấp các sản phẩm chất lượng, đảm bảo quy định tiêu chuẩn của EVN. Cùng với đó, EVN HANOI cần tạo điều kiện để các hộ dân, các hộ sản xuất, kinh doanh có nhu cầu lắp điện áp mái thuận lợi về thủ tục đấu nối nhanh chóng, lắp công tơ hai chiều để ghi nhận số điện tiêu thụ, số điện dư thừa bán lên lưới điện.
Kỹ thuật Tập đoàn Sơn Hà thi công điện áp mái cho người dân. Ảnh: Khắc Kiên
“Khi có lưới điện phân tán ở các hộ gia đình sẽ hình thành nền kinh tế chia sẻ, có nghĩa mỗi người dân có trách nhiệm trong tiêu thụ điện, cũng như có trách nhiệm phát điện. Rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới” - ông Tân nhấn mạnh. Đồng thời ông cho biết, với sự tham gia của người dân, với những chính sách đồng bộ thì trong tương lai Việt Nam sẽ có được hệ thống điện thông minh, lưới điện phân tán, quan trọng hơn là xã hội hóa được nguồn lực phát triển hệ thống điện, bớt được gánh nặng cho Nhà nước, đảm bảo nguồn năng lượng quốc gia.
Dù chưa có giá bán điện áp mái nhưng nhiều chuyên gia cho rằng với lượng sản xuất ra người dân có thể “tự sản, tự tiêu” và không phải thanh toán tiền điện lưới ở mức giá bậc thang đây cũng là thành công. Do đó, rất cần các cơ quan quản lý sớm ban hành giá bán điện để tránh bất cập trong phát triển điện mặt trời từ đó khuyến khích người dân sử dụng điện áp mái góp phần bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững.
Được thành lập từ năm 1998, Tập đoàn Sơn Hà đã có nhiều kinh nghiệm trong việc lắp đặt, triển khai các dự án điện mặt trời áp mái trong công nghiệp và dân dụng, như: Dự án nhà máy Toàn Mỹ (300 Kwp), dự án resort Sông Hồng (28 Kwp), dự án Nha Trang (20Kwp), dự án Đắc Nông (20Kwp)… và các dự án lắp đặt tại nhà dân (khoảng 5 Kwp). Dự kiến năm 2020, sản lượng điện mặt trời áp mái free solar của Sơn Hà ước đạt 10Mwp.