Sơn nội chạy đua giành thị phần

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm cuối năm, các công trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa đều gấp rút hoàn thiện khiến nhu cầu tiêu thụ sơn tăng. Tuy nhiên, qua khảo sát, giá bán mặt hàng sơn không biến động.

Giá ổn định, nhiều khuyến mại
Đại diện Công ty TNHH Tổng Kho Sơn (ngõ 109 đường Trần Duy Hưng) cho biết: Hiện, giá bán sơn lót chống kiềm ngoài nhà nhãn hiệu Nippon có giá từ 2,8 - 3,4 triệu đồng/thùng 18 - 20 lít, sơn lót chống kiềm dùng trong nhà giá 2,1 triệu đồng/thùng 18 lít, sơn phủ trong nhà giá 2,4 - 3 triệu đồng/thùng 18 - 20 lít. Với các hộ kinh tế không khá giả thường chọn sơn Dulux có tính năng tương tự sơn Nippon nhưng giá bán rẻ hơn. Hiện, sơn Dulux sử dụng ngoài trời đạt chứng chỉ xanh Singapore giá 2,8 triệu đồng/thùng 18 lít, sơn nội thất sử dụng trong nhà giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/thùng 18 lít…

Nhân viên hãng sơn Kova giới thiệu sản phẩm tới đối tác. Ảnh: Hoài Nam

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, DN sản xuất sơn đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, nội thất trên phố Cát Linh cho biết: Các DN sản xuất sơn đều đưa ra mức chiết khấu từ 15 - 35% cho các đại lý, đồng thời mạnh tay khuyến mại đến người tiêu dùng (NTD). Chẳng hạn, Công ty TNHH Sơn TOA giảm giá từ 10 - 15% đến các nhà thầu là DN nhỏ và đội thợ xây dựng. Đối với NTD, Công ty cũng đưa ra chương trình khuyến mại "Bật nắp trúng thưởng cùng TOA" kéo dài hết tháng 5/2018. Đa phần cửa hàng đang thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá từ 35 - 45% cho khách hàng mua lẻ.
Đầu tư cho sản phẩm mới
Thông tin từ Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VIPA), các DN nước ngoài đang chiếm 65% thị phần. Trước sức ép cạnh tranh này, các DN nội đang đẩy mạnh đầu tư sản phẩm mới, từ đó vươn lên chiếm lĩnh thị phần trong nước.
Chủ tịch VIPA Nguyễn Thị Lạc Huyền cho biết: Mặc dù các DN sơn Việt Nam chỉ chiếm 35% thị phần, nhưng những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng khả quan thông qua việc nghiên cứu và phát triển tính năng độc đáo để tạo điểm khác biệt với sơn ngoại. Theo VIPA, hiện Sơn Kova đạt mức tăng trưởng 20%/năm, sản phẩm của Công ty không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài, nhất là Singgapore. Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kova Nguyễn Thị Hòe khẳng định: Dù thị trường sơn trong nước đang có cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa sơn nội với sơn ngoại, nhưng sản phẩm sơn Kova với các tính năng mới như chống cháy, diệt khuẩn, chống bám bụi… đang hấp dẫn NTD, đủ sức để cạnh tranh với DN ngoại. Thời gian qua, Công ty CP Hóa chất Sơn Hà Nội với thương hiệu Sơn Hà Nội đang đầu tư sản xuất và cho ra đời sản phẩm sơn trang trí mang thương hiệu VEPA được sản xuất trên dây chuyền sản xuất tự động bằng công nghệ của Đức. Phó Tổng Giám đốc Võ Lan Anh cho biết: "Chúng tôi đang không ngừng cải tiến, đa dạng sản phẩm, cập nhật công nghệ và nguyên liệu sản xuất, đồng thời gia tăng độ phủ của kênh bán lẻ".
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nero cho rằng, để giữ sản lượng và thị phần, DN xác định phải đổi mới, đa dạng sản phẩm. Công ty mới tung ra dòng sản phẩm mới như sơn chống thấm trang trí Nero Cement Paint có chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhưng giá bán thấp hơn từ 30 - 50%, qua đó thu hút NTD.
Mặc dù sản phẩm sơn Việt Nam đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên để giữ vững thị phần khi thị trường xuất hiện ngày càng nhiều DN FDI, nguồn cung ngày càng lớn là thách thức không nhỏ. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, các DN nội cần xây dựng chiến lược về giá và hậu mãi, qua đó mới thu hút được khách hàng.