Sơn Trà - một trong 10 địa danh nổi tiếng của Việt Nam

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sơn Trà - một địa danh chỉ một bán đảo có diện tích 4.370ha, với dãy núi dài 13,5km, án ngữ phía Đông Bắc TP Đà Nẵng đã được hãng truyền thông nổi tiếng CNN chọn là một trong 10 địa điểm đáng đến của Việt Nam.

Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên trong thành phố có tác dụng làm thành bức tường thành ngăn gió bão làm cho vũng Đà Nẵng kín gió, nơi neo đậu tàu thuyền an toàn hơn. Sơn Trà được xếp vào danh sách trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Quyết định số 41/TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ). Khu bảo tồn thiên nhiên của quốc gia với diện tích rừng hơn 4.000ha, đỉnh cao nhất lên đến 696m.
Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Phạm Hùng
Cuối năm 2016, Bán đảo Sơn Trà được quy hoạch thành khu du lịch cấp quốc gia với diện tích ưu tiên tập trung phục vụ du lịch lên tới 1.056ha, phát triển ở độ cao dưới 200m so với mực nước biển, vốn là phần sinh cảnh sống của loài Voọc chà vá chân nâu và nhiều loài động, thực vật khác.
Địa danh này ban đầu được người Pháp gọi là Tiên Sa dùng để chỉ bán đảo và núi Sơn Trà. Nay tên gọi Tiên Sa được dùng cho một cảng biển ở Đà Nẵng. Người Mỹ khi đóng quân ở đây (1965 - 1975) gọi Sơn Trà là “Monkey mountain” (Núi Khỉ), điều này cũng nói lên số lượng cá thể phong phú của loài linh trưởng sống trên núi này. Mùa Xuân đến Sơn Trà, bạn sẽ thả hồn để nghe hàng chục loại chim, thú thi nhau khoe giọng. Dàn đồng ca của thiên nhiên có tiếng hót của: khướu, vàng anh và những tiếng “tác”, tiếng hú của mang rừng và những loài linh trưởng.

Động vật nổi trội hơn cả là loài linh trưởng, loài này rất đa dạng: như khỉ vàng, khỉ cột, khỉ đuôi lợn… khỉ giác hoàng hay còn gọi là chà vá chân nâu. Người dân địa phương gọi là “giác hoàng”. Mỗi loài khỉ sinh sống ở những vùng khác nhau trên bán đảo và có tập quán sinh hoạt riêng như khỉ vàng - một trong những loài quí hiếm ở Đông Nam Á, gần như tiệt chủng ở Việt Nam thì ở Sơn Trà chúng thường tập trung ở phía Bắc sống theo từng đàn từ 15 đến 20 con. Khỉ đuôi lợn tương đối nhiều chúng sống phân bố đều, loài này ta thường dễ bắt gặp.

Đặc biệt hơn cả là voọc chân nâu, tên khoa học là Pygathrix nemaeus, loài quí hiếm này gần như bị tiệt chủng nhưng lại có một lượng tương đối nhiều ở Bán đảo Sơn Trà với hơn 300 con. Voọc Sơn Trà rất tinh khôn, có thói quen ăn rất sang, chỉ ăn thức ăn tinh trên cây mà không ăn dưới đất, ăn một nửa bỏ một nửa mỗi mùa lại chọn một thức ăn thích hợp. Mỗi đàn thường chia nhóm thành 12 đến 30 con trong một đàn, trong đàn có thủ lĩnh khá tinh khôn để chỉ huy chung. Voọc sinh sản thường vào đầu mùa Xuân tháng 1 và tháng 2, mỗi lứa chỉ sinh được 1 con.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ động vật Sơn Trà có trên 100 loài, trong đó có 8 loài thuộc loại quý hiếm. Hệ thực vật cũng rất phong phú, có 289 loài, trong đó có 64 loại gỗ lớn, 107 loài cây thuốc, cây cảnh. Dẻ là loại cây được phủ đều khắp cả bán đảo, quả dẻ ăn rất ngon có giá trị dinh dưỡng cao, cũng có những cây đến trăm tuổi trông rất đẹp mắt. Ngoài ra nơi đây còn có khá nhiều cây quý như sâm, sơn, tuế, chò chai… Cây sâm đất người dân đi rừng thường ăn để giải khát, cây sơn dùng để về làm sơn mài, mủ cây chò chai đem về nấu chảy ra sẽ làm keo trát vào những chiếc thuyền thúng để đi biển.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái ngay tại một quận nội thành, và là một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu. Điều này khiến cho Sơn Trà không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi các nhà khoa học đến để nghiên cứu về hệ sinh thái rừng gắn liền với biển với những loài đặc hữu và rạn san hô.

Với điều kiện đi lại khá thuận lợi, du khách có thể đến Sơn Trà bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ nên thời gian gần đây, khu bảo tồn thiên nhiên luôn đón khá nhiều khách du lịch. Không khí nơi đây thật tuyệt vời, thời tiết ấm áp, dễ chịu, món ăn Đà Nẵng phong phú, phù hợp với nhiều lứa tuổi, đặc biệt là tình người xứ Quảng đậm đà khiến người nào đã đến đây đều không muốn về.