Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 1
Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 2

Hình ảnh sông Đáy bị ô nhiễm đoạn qua địa phận một số huyện thuộc TP Hà Nội.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 3

Hơn 60 năm sinh sống ven sông Đáy, nhưng chưa khi nào ông Vương Đức Hạnh (năm nay 68 tuổi, thôn 1, xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai) lại chứng kiến dòng sông đoạn chảy qua địa bàn thôn ô nhiễm như những năm qua. Dòng nước đen kịt, bốc mùi khó chịu, nhất là vào những ngày nồm ẩm.

“Trước đây, nhiều hộ dân sống bám ven sông, sống được bằng nghề đánh cá, mò cua bắt ốc. Thế nhưng, khoảng 15 năm nay, nước sông dần bị ô nhiễm nặng, gần như không còn tôm, cá…” - Ông Vương Đức Hạnh chia sẻ.

Trên cánh đồng xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), bà Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1963), kéo dây, nối máy để bơm nước tưới cho diện tích gần hai sào canh tác rau màu. “Nước sông giờ đen kịt, bà con không sử dụng được nên đều phải khoan giếng…” - Bà Nguyễn Thị Hiền cho hay. 

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 4

Nhiều năm về trước, Hợp tác xã nông nghiệp thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên) thường lấy nước từ sông Đáy, dẫn qua kênh thuỷ lợi để bà con đưa vào ruộng đồng phục vụ sản xuất. Nhưng nay do nước sông Đáy quá ô nhiễm, hợp tác xã ngừng phục vụ cấp nước. Bà con trong thôn phải tự khoan giếng để lấy nước gieo trồng.

Chỉ tay về phía dòng sông đen kịt một màu, anh Nguyễn Văn Tiến ở xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) lại nhớ về những ngày cùng đám bạn vùng vẫy trên sông Đáy. “Hồi những năm 1995 - 1996, nước sông trong, sạch; thanh niên trong làng thường rủ nhau xuống tắm sông, mò cua bắt ốc. Nhưng nay dòng sông bị ô nhiễm, gần như không loài nào sống được…” - Anh Tiến nhớ lại.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dòng sông Đáy đoạn qua địa phận Hà Nội hiện đang bị ô nhiễm nặng, nhất là thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ… Nhiều đoạn lòng sông bị thu hẹp. Nước sông trong tình trạng đen kịt, bốc mùi khó chịu cả ngày lẫn đêm.

Nguồn nước ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, mà còn tác động đến hoạt động sản xuất của người dân. Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) cho biết, hơn 90% diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thanh Oai lấy nước từ sông Đáy.

“Một số khu vực, dù chất lượng nước chưa được tốt, nhưng bà con vẫn phải lấy để canh tác nông nghiệp, nhất là tại những diện tích thuộc hệ tưới của các trạm bơm: Giang Chính (Hà Đông), Yên Sở (Hoài Đức), Phụng Châu (Chương Mỹ), Cao Bộ (Thanh Oai)…” - Ông Trần Anh Tuấn thông tin thêm.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 5
Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 6

Sông Đáy bắt nguồn từ khu vực cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, tiếp giáp với sông Hồng. Cụm công trình phân lũ sông Đáy (trong đó có cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận) được Bộ NN&PTNT xây dựng, có nhiệm vụ đưa nước sông Hồng vào sông Đáy khi mực nước sông Hồng lên cao nhằm bảo vệ vùng Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, lần cuối sông Đáy được phân lũ sông Hồng đã cách đây hơn 50 năm (vào năm 1971). Nhiều năm qua, nguồn nước sông Hồng gần như không chảy vào sông Đáy do mực nước sông Hồng liên tục bị hạ thấp mà một phần đến từ tình trạng khai thác cát thiếu kiểm soát.

Theo ông Lê Viết Sơn - Nguyên Trưởng phòng Quy hoạch Thuỷ lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch Thuỷ lợi), có nhiều nguyên nhân khiến sông Đáy cạn trơ đáy, thành “dòng sông chết”, nhưng căn nguyên nhất là do nguồn cấp nước và dòng sinh thuỷ nội tại kém khiến lòng dẫn sông Đáy ngày càng bị bồi lấp, thu hẹp dần.

Do nhiều năm không có dòng sinh thuỷ nên vào mùa kiệt, lượng mưa ít, lòng sông Đáy bị bồi lắng. Nhiều đoạn sông bị thu hẹp chỉ còn rộng vài mét. Sông Đáy từ hạ lưu Đập Đáy (huyện Đan Phượng) đến cầu Ba Thá (huyện Mỹ Đức) hầu như không có dòng chảy.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 7

Không có dòng chảy sông Hồng vào sông Đáy để làm sạch, thau rửa tạp chất nên chất lượng nước sông ngày một suy giảm, ô nhiễm nặng. Báo cáo kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội mới đây cho thấy, hàm lượng các chất hữu cơ, vô vơ có trong nước mặt sông Đáy đều vượt quy chuẩn Việt Nam. Cụ thể, so với quy chuẩn, một số chỉ tiêu như Amoni, Nitrit hay khuẩn E.Coli vượt ngưỡng cho phép từ 1,3 - 3,24 lần.

Một nguyên nhân khác cũng được đánh già là tác nhân lớn khiến sông Đáy chết dần chính là sản xuất của các làng nghề và hoạt động chăn nuôi ven dòng sông. Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy) Trần Anh Tuấn cho biết, ven sông Đáy thuộc địa phận đơn vị quản lý hiện có 432 điểm xả thải, trong đó, phần lớn là các điểm không phép. Nhưng theo ông Trần Anh Tuấn, số điểm xả thải trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

“Nguồn nước chưa qua xử lý của các làng nghề chế biến nông sản thuộc các xã: Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Đức), hay Tân Hoà (huyện Quốc Oai), xả thẳng vào hệ thống kênh dẫn đổ vào sông Đáy khiến chất lượng nước sông ngày một suy giảm…” - Ông Trần Anh Tuấn đánh giá.

Trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng cũng thừa nhận có tình trạng các hộ dân chế biến nông sản xả nước thải ra hệ thống kênh tiêu và đổ vào sông Đáy. “Chúng tôi từng xử phạt vi phạm hành chính, cắt điện sản xuất của một số cơ sở vi phạm quy định xả thải nhưng tình trạng này vẫn tái diễn…” - Ông Nguyễn Bá Hưng cho biết thêm.

Ghi nhận cho thấy, tại một số xã ven sông Đáy như Hát Môn (huyện Phúc Thọ), hay Trung Châu (huyện Đan Phượng), hoạt động chăn nuôi cũng phát sinh một lượng nước thải rất lớn. Dòng nước thải chưa qua xử lý vẫn ngày ngày đổ xuống dòng sông Đáy, gây nên tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân sinh sống ven sông rất bức xúc.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 8
Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 9

Không chỉ có ý nghĩa trong việc cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh, sông Đáy còn đóng vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước lưu vực hai bên sông, đặc biệt là có nhiệm vụ thoát lũ sông Hồng, bảo vệ vùng Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, việc “hồi sinh” sông Đáy được xem là nhiệm vụ cấp thiết.

Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, tháng 10/2014, Bộ NN&PTNT đã triển khai dự án Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đoạn qua TP Hà Nội (giai đoạn 1). Dự án sau khi hoàn thành, đã góp phần cải thiện, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên dòng sông này.

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang đề xuất Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí đầu tư thực hiện dự án Nạo vét, cảo tạo lòng dẫn sông Đáy thuộc TP Hà Nội (giai đoạn 2), đoạn từ K8+700 (thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) đến cầu Ba Thá (huyện Mỹ Đức).

Cùng với dự án của Bộ NN&PTNT, triển khai Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, năm 2015, UBND TP Hà Nội cũng từng giao Sở NN&PTN Hà Nội lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy, đoạn từ phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến cầu Ba Thá (huyện Mỹ Đức). Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 810 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án vẫn đang chờ cân đối nguồn vốn.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 10

Mặc dù vậy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho rằng, nếu chỉ tính đến bài toán nạo vét, cải tạo lòng sông thì không thể giải quyết triệt để bài toàn “hồi sinh” sông Đáy. Điều rất quan trọng hiện nay là cần có giải pháp đưa nước từ sông Hồng vào sông Đáy.

Theo tìm hiểu, năm 2007, công trình đưa nước từ sông Hồng qua cống Cẩm Đình vào hệ thống kênh tiêu Cẩm Đình - Hiệp Thuận được Bộ NN&PTNT xây dựng. Cụm công trình với kỳ vọng làm sống lại dòng sông Đáy. Tuy nhiên, do mực nước sông Hồng liên tục hạ thấp nên hàng chục năm qua, không có dòng nước lưu chuyển vào sông Đáy.

Chính vì vậy, một số chuyên gia khuyến nghị Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội nên nghiên cứu, đầu tư xây dựng công trình trạm bơm nước từ sông Hồng, qua cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận, dẫn vào sông Đáy nhằm tạo dòng chảy sinh thuỷ, thau rửa, làm sạch nước sông.

Cũng theo tìm hiểu, Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có giải pháp cấp nước từ sông Tích vào sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thuỵ Đức với lưu lượng 20m3/giây. UBND TP Hà Nội đã giao các đơn vị nghiên cứu đề xuất, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai. Do đó, kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo dự án này.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 11

Trong khi các dự án tiếp nước cho sông Đáy vẫn còn dang dở, một giải pháp trước mắt có thể thực hiện là kiểm soát chặt nguồn nước thải từ các hoạt động sản xuất ven sông; đặc biệt là tại các làng nghề chế biến nông sản tại huyện Hoài Đức.

Năm 2016, Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà tại huyện Hoài Đức đã được khánh thành. Nhà máy có công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm, hiện đang xử lý nước thải từ làng nghề cho 3 xã: Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức). Đây cũng là nhà máy xử lý nước thải đầu tiên hoàn thành thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng cho biết, nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà đã góp phần giảm tải trọng chất ô nhiễm đổ vào sông Đáy, cải thiện chất lượng môi trường sống trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều hộ tham gia chế biến nông sản tại vùng bãi, chưa được đấu nối vào hệ thống xử lý.

“Tôi được biết huyện Hoài Đức đã có chủ trương xây dựng thêm một nhà trạm để xử lý nước thải của các hộ chế biến nông sản, thực phẩm thuộc ba xã: Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế. Hy vọng dự án sẽ sớm được triển khai để người dân yên tâm sản xuất…” - Ông Nguyễn Bá Hưng thông tin thêm.

Cùng với hệ thống xử lý nước thải, việc xây dựng các cụm công nghiệp để đưa các cơ sở sản xuất vào hoạt động cũng cần được quan tâm. Ông Nguyễn Quang Thắm - Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, dọc sông Đáy có hai làng nghề gồm điêu khắc gỗ (xã Tân Phú) và chế biến nông sản (xã Cộng Hoà, xã Tân Hoà).

Hiện nay, có hơn 100 hộ làm nghề mộc và khoảng 80 hộ thuộc hai xã chế biến nông sản. Nguồn thải vẫn phát tán ra kênh mương dẫn vào sông Đáy. Dù vậy, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương, giao chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Tân Hoà. “Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư cần sớm triển khai dự án để giải quyết bài toán ô nhiễm làng nghề ven sông Đáy…” - Ông Nguyễn Quang Thắm kiến nghị.

Kiểm soát chặt nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi vào sông Đáy cũng là vấn đề cần được quan tâm. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Phát triển các trang trại có kiểm soát nguồn thải, thay thế và tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Có như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường mới mong được giảm thiểu, để việc “hồi sinh” sông Đáy không chỉ là giấc mơ mong tìm thấy.

Sông Đáy thơ mộng thành dòng sông “chết” - Ảnh 12

08:16 29/08/2023