Sóng gió bao trùm họp báo đầu tiên của ông Trump

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đắc cử Tổng thống Mỹ ngày 11/1 (giờ địa phương), ông Donald Trump đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi phát biểu một cách “rời rạc” về nhiều chủ đề và màn “khẩu chiến” với giới truyền thông…

 Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong buổi họp báo đầu tiên tại tháp Trump.

Cuộc họp báo khôi hài

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã nêu ra hàng loạt vấn đề, bao gồm việc thừa nhận hacker Nga đứng đằng sau việc tấn công vào các đối thủ của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, ông cũng không quên phê phán việc công khai các báo cáo chưa được kiểm chứng rằng Moscow nắm trong tay những thông tin cá nhân và tài chính của ông. Đối với khả năng xóa bỏ Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare), vị tỷ phú New York đã quyết định thực hiện việc sửa đổi và thay thế, điều này khiến dư luận trở nên hoang mang. Thảo luận về hoạt động kinh doanh, ông Trump cho biết, sẽ không từ bỏ cổ phần lớn khi nhậm chức, mà sẽ chuyển giao việc điều hành cho các con trai. Theo giới chuyên gia, việc duy trì sở hữu cổ phần trong các DN có thể khiến quyết định của ông Trump trên cương vị Tổng thống bị tác động bởi lợi ích cá nhân.

Cũng trong buổi họp báo này, người kế nhiệm Tổng thống Obama đã khiến cả giới truyền thông “nổi sóng” với “trận chiến” cùng phóng viên CNN, khi ông Trump tỏ ra “cứng rắn”, kiên quyết không trả lời câu hỏi. Giới chuyên gia nhận định, điều này cho thấy dấu hiệu, chính quyền Donald Trump trong tương lai có thể “đóng băng” bất kỳ hãng tin nào “mích lòng” ông. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra những câu trả lời "rời rạc" về nhiều chủ đề, cho thấy ông có vẻ không hiểu sâu. 

Rạn nứt trong nội các

Dưới sự giám sát của Quốc hội trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 11/1, tất cả các thành viên được ông Trump đề cử vào tân nội các đã trình bày một số quan điểm khác với quan điểm vị tỷ phú New York đã đề ra. Ông John Kelly -  người được ông Trump đề cử vào chức vụ Bộ trưởng An ninh nội địa cho rằng, chính sách xây dựng một bức tường lớn ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico có thể sẽ không mang lại hiệu quả như ông Trump muốn. “Chỉ dùng rào cản hữu hình thôi thì chưa đủ, Mỹ còn phải thực hiện nhiều động tác hơn nữa” - ông nói. Đặc biệt, ông Jeff Sessions phản đối lời kêu gọi cấm tất cả những người theo đạo Hồi nhập cảnh vào Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump. “Tôi không ủng hộ việc những người theo đạo Hồi bị cấm được vào Mỹ. Chúng ta có những cộng đồng người Hồi giáo lớn mạnh và đã đóng góp cho đất nước về nhiều mặt” - ông Sessions nói. 

Sự khác biệt lớn nhất diễn ra với ông Rex Tillerson - người được đề cử giữ vị trí Ngoại trưởng, khi ông này lên tiếng ủng hộ thỏa thuận thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, ông Tillerson và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng có nhiều khác biệt trong cách nhìn nhận về vấn đề biến đổi khí hậu. Những quan điểm trái ngược của các ứng viên trong nội các với Tổng thống đắc cử là dấu hiệu cảnh báo về một nhiệm kỳ đầy sóng gió của chính quyền Washington.