“Sóng gió” lứa đôi

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gia đình có hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, tiếng cười hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ “vun vén” của hai người.

Những điều ấy khi nêu lên, ai cũng bảo “biết rồi”, nhưng không ít người vẫn rơi vào đổ vỡ cũng chỉ bởi không thể thực thi được.

 Ảnh minh họa

Một thực trạng liên tục được các chuyên gia tâm lý và gia đình nêu lên, nhưng ngày càng nhức nhối trong đời sống hiện nay đó là hiện tượng ly hôn ở các gia đình trẻ tăng, với rất nhiều nguyên nhân. Có không ít trường hợp, dù yêu nhau gần 10 năm nhưng khi cưới cả hai đã chẳng háo hức gì. Họ thấy không hợp nhau nhưng lại tiếc thời gian yêu và ngại bắt đầu với người khác nên tặc lưỡi kết hôn. Rồi sau ngày cưới không lâu, cô dâu đã thấy chẳng thấy náo nức với cuộc sống vợ chồng. Cô thấy mình không hợp chồng, đặc biệt là rất ghét cái tính ghen bóng ghen gió của anh bây giờ càng bộc lộ rõ. Và sau tình yêu dài, cuộc hôn nhân của họ ngắn đến không ngờ.

Ngược lại với tình yêu dài, yêu vội, cưới gấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ đối với các cặp vợ chồng trẻ. Nhiều đôi không kịp trang bị cho mình những kỹ năng căn bản như sự chia sẻ, nhường nhịn và tự điều chỉnh bản thân để thích nghi với cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh đó, quan niệm “tình dục trước hôn nhân” là chuyện đương nhiên đã đẩy người trong cuộc đến nhàm chán, thiếu tôn trọng và thậm chí không định hướng được tình yêu sau khi đã “tỏ đường đi lối về”. Và sau một thời gian tìm hiểu, cảm thấy không hợp nhưng nhiều cô gái lỡ trao thân đã nhắm mắt cưới liều cho xong. Đến khi cưới nhau, họ mới thực sự đứng trước sóng gió của đời sống lứa đôi.

Có những gia đình nhìn bên ngoài rất hạnh phúc, nhưng sóng gió đã ngầm nổi lên bởi không dung hòa được lối sống, ngay cả trong thể hiện sự quan tâm đến nhau. Bởi thế, không ít người sau khi lập gia đình thấy mình lúc nào cũng như bị trói buộc, tù túng bởi sự quan tâm của vợ hoặc chồng. Có người còn tìm cách kiểm soát vợ hoặc chồng mình không chỉ ở công việc, tiền bạc mà cả các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Một người đàn ông kể: Anh đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai vợ anh đều muốn biết, muốn được đi theo. Nếu hôm nào anh về muộn, cô đứng ngồi không yên, rồi liên tục gọi điện, nhắc nhở. Anh thấy mình như “bị kèm hãm” bởi sự quan tâm thái quá của vợ. Ngay cả khi anh muốn ngồi nghỉ ngơi yên tĩnh một chút cô cũng vội chạy lại hỏi han “anh có chuyện gì vậy”. Thực tình cũng chẳng có việc gì mà đơn giản chỉ là anh muốn ngồi một mình thôi… Cái cảnh ấy cứ lặp đi lặp lại hàng ngày khiến anh có cảm giác sợ chính ngôi nhà của mình khi không còn chút riêng tư nho nhỏ. Rồi anh ngại khi trở về nhà, thường ước ao được quay lại cuộc sống độc thân. Và từ đó những mâu thuẫn cứ lan rộng dần trong cuộc sống của họ.

Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, lần đầu tiên, các cặp vợ chồng trẻ cãi nhau, đó là lúc họ gặp khó khăn trong việc điều hòa các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng với nhau. Đôi lúc họ có thể cãi nhau vì những chuyện không đâu. Có một nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc cãi nhau giữa các đôi vợ chồng, và nó cũng là một trong số những lý do dẫn tới sự tan vỡ, ly dị.

Những nguyên nhân dẫn đến tan vỡ nhiều khi còn đến từ những điều rất nhỏ nhặt khi cái tôi của riêng mình không được đáp ứng. Đồng thời chính quan niệm được coi là “thoáng” của người trẻ, hôn nhân đơn giản chỉ là thích thì đến không thích thì chia tay, mà không biết cuộc hôn nhân tan vỡ buộc họ phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt với trường hợp đã có con. Căn nguyên sâu xa của sự đổ vỡ nhanh chóng của nhiều cặp đôi trẻ là người trong cuộc không có quá trình chuẩn bị trước khi tiến tới hôn nhân, họ ngộ nhận về tình yêu và bước vào đời sống hôn nhân với 3 số không tròn trĩnh: Không có tình yêu đích thực, không biết cách tổ chức cuộc sống và không biết cách giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Những người đã đi qua những cuộc hôn nhân hạnh phúc bền vững đã chia sẻ rằng, bí quyết để xây dựng một cuộc hôn nhân thành công là không nên dễ dàng bỏ qua những sai lầm dù lớn hay nhỏ của bạn đời ngay từ thuở ban đầu. Khi có điều không vừa lòng, vợ chồng nên lựa lời khuyên bảo, nhắc nhở nhau thay vì im lặng chấp nhận. Chính điều này sẽ giúp cả hai có cơ hội nhận ra sai lầm của mình, biết cách khắc phục, tiến bộ để hòa hợp và tạo ra tiền đề vững chắc cho cuộc sống lứa đôi. Và trước khi nói lời chia tay, hãy phấn đấu hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất. Mỗi khi có va chạm trong gia đình, hãy đừng nói hai chữ “ly hôn” một cách vội vàng và nhẹ nhàng, bởi vì nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại biện pháp tiêu cực này, người nghe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và bản thân chính chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhất định khiến vết rạn nứt càng trở nên khó hàn gắn hơn.