Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Sông Hồng kêu cứu] Bài 2: Sông cạn vì “cát tặc” lộng hành

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực thủy lợi, việc mực nước sông Hồng hạ thấp bên cạnh yếu tố lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về ngày một ít hơn, có nguyên nhân quan trọng đến từ tình trạng khai thác cát trái phép. Thực tế, dù Chính phủ, các bộ ngành và TP Hà Nội đã chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn nạn này, tuy nhiên, “cát tặc” vẫn lộng hành trên sông Hồng.

Tàu khai thác cát hoạt động trái phép vào ban đêm trên sông Hồng đoạn chảy qua địa phận xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng
Trắng đêm nhận diện “cát tặc”
Để có cái nhìn trực quan về hoạt động của “cát tặc”, chúng tôi đã liên hệ để thuê một chiếc phà chuyên chở khách qua lại đôi bờ sông Hồng, đoạn chảy qua xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ). Đây cũng là một trong những “điểm nóng nhất” của tình trạng “cát tặc”. Người đàn ông lái phà tên T. cho hay, bản thân là người xã Vân Phúc, rất bức xúc với tình trạng “cát tặc” nên mới đồng ý giúp chúng tôi. Trên khúc sông Hồng này, vào buổi tối gần như chỉ có phà hoạt động, cùng với tàu của “cát tặc”.
Theo số liệu thống kê từ quy hoạch của 13 tỉnh, TP khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trữ lượng cát có thể khai thác trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình còn khoảng 684 triệu mét khối, tuy nhiên phân bố không đều trên các tuyến sông. Hà Nội là địa phương có trữ lượng cát có thể khai thác lớn nhất trong số 13 tỉnh, TP với khoảng 186 triệu mét khối, tương đương 27% trữ lượng cát toàn hệ thống.

Khoảng 19 giờ tối, từ phía hạ lưu sông Hồng, những chiếc tàu trống khoang ùn ùn kéo lên như một “đội quân”. Đến khúc sông Hồng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Vân Phúc và huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), các tàu thả neo, đưa vòi xuống lòng sông để hút cát. Chỉ sau khoảng 1 giờ đồng hồ, khi cát đầy khoang, những chiếc tàu tải trọng đến 400 – 500m3 nhổ neo, hướng về các bãi tập kết ở huyện Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm… trung chuyển cát, rồi quay ngược trở lại… tiếp tục khai thác!

Các tàu hầu như không bật đèn để tránh bị phát hiện. May mắn cho chúng tôi khi đêm đi thị sát là giữa tháng 7 âm lịch nên trăng rất sáng. Vì vậy, dù 21 – 22 giờ đêm nhưng chúng tôi vẫn có thể quan sát và ghi nhận khá rõ hình ảnh các tàu khai thác cát trái phép.

Người đàn ông lái phà trên T. – đã có thâm niên ngược xuôi trên dòng nước này cho biết thêm, hoạt động khai thác cát thường diễn ra vào đêm khuya, từ khoảng 19 giờ cho tới 4 – 5 giờ sáng ngày hôm sau. Đặc biệt, càng những ngày thời tiết không thuận lợi, mưa càng to, gió càng lớn thì “cát tặc” càng hoạt động mạnh. Cụm trưởng Cụm dân cư số 1 (xã Vân Phúc) Bùi Văn Hà cho biết, hầu như tàu nào cũng có “chim lợn” hoặc đối tượng cảnh giới. “Ngày nào có “động” (tức có thông tin lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát – PV), số lượng tàu khai thác trái phép sẽ ít hơn…” – ông Hà cho hay.

Được biết, toàn bộ Cụm dân cư số 1 với khoảng 180 nóc nhà đều nằm dọc sông Hồng, nơi có hoạt động khai thác cát trái phép. Trong số đó, có hàng chục hộ đang thấp thỏm sống trong lo sợ, do nhà chỉ nằm cách khu vực khai thác vài chục mét. Nhiều người dân lo lắng cho biết: Nếu tình trạng khai thác cát không thuyên giảm thì chỉ 5 – 10 năm nữa, hàng trăm hộ sẽ… không còn chốn dung thân.

Cơ quan chức năng... than khó

Khu vực sông Hồng thuộc địa bàn xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) chỉ là một trong số nhiều địa điểm đang bị “cát tặc” ngày đêm lộng hành. Đáng lo ngại hơn, việc xử lý các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên các tuyến sông hiện có 12 vị trí khai thác cát được xác định, tập trung chủ yếu trên sông Hồng, với tổng diện tích 334ha. Tuy nhiên, chỉ có 4 vị trí đang hoạt động, 8 vị trí tạm ngừng hoạt động. Dù vậy, ghi nhận thực tế cho thấy tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phổ biến tại rất nhiều vị trí thuộc sông Đuống, sông Cà Lồ, và đặc biệt là sông Hồng đoạn qua các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, và địa bàn giáp ranh các tỉnh Vĩnh Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, và tỉnh Hưng Yên thuộc huyện Phú Xuyên.
Với nhu cầu khai thác, sử dụng cát theo kế hoạch từ năm 2016 – 2020 là 37,8 triệu m3 mỗi năm, và giả thiết nhu cầu này không thay đổi trong các năm tiếp theo, thì tài nguyên cát hiện nay tại khu vực Bắc Bộ sẽ chỉ bảo đảm cho nhu cầu sử dụng trong khoảng 20 năm nữa… 

TS Lê Viết Sơn – Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam)

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường (Công an huyện Đan Phượng) cho biết, hiện đơn vị chỉ được cấp 1 ca nô nhỏ chở được 4 người. Tàu không thường trực tại bãi sông mà được bảo quản tại đơn vị, bởi để ở sông phải… bố trí cán bộ trông giữ. Do đó, khi nhận được tin báo, việc triển khai lực lượng bị chậm. Các đối tượng có thời gian chuẩn bị đối phó. Ngoài ra, việc triển khai nhiệm vụ trên sông nước vào ban đêm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, việc thuê tàu của người dân để thực hiện nhiệm vụ bí mật cũng gặp nhiều khó khăn, do “người dân e ngại va chạm, muốn làm ăn yên ổn nên không hợp tác với lực lượng chức năng”. Ngoài ra, đối tượng khi bị bắt thường không chấp hành, thậm chí bỏ khỏi hiện trường khiến việc xử lý rất vất vả. Đây cũng là những khó khăn mà công an một số địa phương ven sông Hồng gặp phải trong quá trình đấu tranh với tội phạm.

Trong khi cơ quan công an gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép thì chính quyền các địa phương ven sông gần như… bất lực. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Phúc Đặng Quang Tuyên cho biết, xã không có trang thiết bị nên mỗi khi phát hiện đối tượng hút cát trái phép, chỉ có thể báo cho lực lượng công an huyện. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, khi lực lượng chức năng đến nơi thì các đối tượng đã… nhổ neo, di chuyển đến địa điểm khác.

Gia tăng tình trạng khai thác cát trái phép

“Cát tặc” lộng hành, trong khi việc xử lý tại một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân khiến lượng cát dưới lòng dẫn nhiều tuyến sông, nhất là sông Hồng, sông Đuống bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng đáng lo ngại khi tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Theo nghiên cứu được công bố mới đây của Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, trong những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng, sông Đuống đã bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ở nhiều đoạn. Trên sông Đuống, cao độ đáy sông hạ thấp từ 3,27 – 5,87m; riêng đoạn cửa vào hạ thấp từ 9 – 13m. Trong khi đó, cao độ đáy sông Hồng cũng bị hạ thấp từ 0,36 – 2,81m; riêng tại vị trí trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), đáy sông bị hạ thấp đến… 5m.

Nguyên nhân chung được đưa ra để lý giải cho việc lòng dẫn sông Hồng bị hạ thấp là sự mất cân bằng giữa lượng bùn cát về hạ du và khối lượng cát khai thác. Cụ thể, tổng lượng bùn cát của 3 con sông: Đà, Lô, Thao về hạ du sông Hồng liên tục giảm trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2001 – 2005 là 38,82 triệu mét khối; giai đoạn 2006 – 2010 là 21,9 triệu mét khối; giai đoạn 2011 – 2015 là 8,41 triệu mét khối và giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến chỉ khoảng 8 triệu mét khối.

Điều đáng nói, mặc dù lượng bùn cát về hạ du liên tục giảm, nhưng khối lượng cát khai thác trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình trung bình mỗi năm lại ngày một tăng. Tính riêng khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, khối lượng này trong giai đoạn 2001 – 2005 là 16,67 triệu mét khối; giai đoạn 2006 – 2010 là 29,61 triệu mét khối; giai đoạn 2011 – 2015 là 34,78 triệu mét khối, và giai đoạn 2016 – 2020, dự báo sẽ ở mức 37,8 triệu mét khối.

Việc mất cân bằng giữa lượng phù sa lưu chuyển về sông Hồng so với lượng cát bị khai thác là nguyên nhân khiến mực nước sông Hồng bị hạ thấp. Với việc “cát tặc” vẫn ngày đêm lộng hành, nguồn tài nguyên khoáng sản trên sông Hồng đứng trước nguy cơ ngày một cạn kiệt. Và viễn cảnh “dòng sông mẹ” trở thành con sông “cạn” cũng hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết.

(Còn nữa)