Sốt xuất huyết bùng phát trái quy luật

Nam Trần – Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong thời gian trước Tết Nguyên đán đến nay, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng 250% so với cùng kỳ năm 2018. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu mỗi người dân không có ý thức phòng bệnh, dịch bệnh này sẽ bùng phát trong cộng đồng.

 Khám cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Tự điều trị rất nguy hiểm

Có mặt tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, chúng tôi chứng kiến cảnh các bác sĩ tất bật tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân. Khoa Nhiễm D của BV, tất cả các buồng bệnh kín bệnh nhân, các hành lang cũng được trưng dụng để kê thêm giường cho người bệnh.

Vừa dứt cơn sốt cao theo chu kỳ, anh Trần Văn Tr. (quận 8, TP Hồ Chí Minh) mệt mỏi cho biết, cách đây 3 ngày sau khi đi làm về, anh thấy trong người mệt mỏi, đau đầu và nhức các khớp xương. Nghĩ mình chỉ bị cảm sốt nên anh ra tiệm thuốc tây mua thuốc cảm về uống. Tuy nhiên, đến 2 giờ sáng hôm sau, thấy sốt cao và rét run bần bật, chờ trời sáng anh đến BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhập viện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, anh bị sốt xuất huyết. Tương tự, sau khi tự điều trị không khỏi, chị Lê Thu Hiền (Long An) cũng phải nhập viện BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Sau 5 ngày điều trị tích cực, chị Hiền đã cắt được cơn sốt, tuy nhiên vẫn phải nằm theo dõi tại BV.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Khoa Nhiễm D của BV cho biết, bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu vào tháng 7 và tháng 8 hằng năm, đỉnh điểm mùa dịch rơi vào tháng 10 và tháng 11, sau Tết Nguyên đán bệnh sẽ có xu hướng giảm dần. Nhưng năm nay, bệnh lại có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, điều này trái với qui luật trước đây.

Tại BV, nhiều bệnh nhân vẫn chủ quan, khi mắc bệnh đều tự điều trị, nhập viện thì đã trong tình trạng nặng. Theo bác sĩ Phong, thời điểm nguy hiểm nhất và bệnh diễn tiến nặng nhất rơi vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 từ khi phát bệnh. Khi đó bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt nhưng lại xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu gây chảy máu, tụt huyết áp, suy gan, suy thận... “Vì vậy, khi phát hiện người thân có biểu hiện sốt cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà” - bác sĩ Phong nhấn mạnh.

Số bệnh nhân tăng cao bất thường

Tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số ca khám bệnh, điều trị sốt xuất huyết tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mỗi ngày Khoa Nhiễm D điều trị khoảng 50 - 60 trường hợp. Chỉ tính riêng tháng 1/2019, BV tiếp nhận khoảng 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có khoảng 600 trường hợp. Đáng chú ý, đã có 2 trường hợp tử vong và nhiều trường hợp nặng phải thở máy, lọc máu.

Còn tại Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, có gần 70 trẻ đang điều trị sốt xuất huyết, trong đó biến chứng nặng chiếm 10%. Đa số bệnh nhi trong độ tuổi từ 5 – 10. Còn tại Khoa Hồi sức tích cực của BV, hiện có 2 ca sốt xuất huyết sốc nặng vừa được cấp cứu qua nguy kịch sau quá trình điều trị.

TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Nhi Đồng 1 cho biết, sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm sẽ điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn, tránh các biến chứng nặng gây ra nguy kịch cho tính mạng. Biến chứng nặng của sốt xuất huyết là có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu, xuất huyết tiêu hóa; có thể gây tình trạng trụy tim mạch, tức là gây sốc, đây cũng là nguyên nhân quan trọng gây tử vong.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận 6.733 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Trung bình mỗi tuần trên có gần 1.000 trường hợp nhập viện vì bệnh này, chưa kể số lượng lớn người bị mắc sốt xuất huyết điều trị ngoại trú và tại các phòng khám tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần