Sốt xuất huyết ở Hà Nội có dấu hiệu chững lại

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Hà Nội.

Cán bộ y tế tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến ngày 16/8, số ca mắc SXH tại Hà Nội đã lên đến 17.365 người, trong đó có 7 người tử vong. Nếu tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh); tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước (sau Đà Nẵng và Bình Dương).
Tuy nhiên, qua theo dõi trong tuần qua, số ca mắc SXH đã có dấu hiệu chứng lại. Cụ thể, trong tuần Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc SXH, so với tuần trước số mắc giảm 7 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện 2.588 (chiếm 15%); ghi nhận có xu hướng giảm trong những ngày gần đây như ngày 14/8 có 3.076 bệnh nhân, ngày 15/8 có 2.635 bệnh nhân, ngày 16/8 là 2.588 bệnh nhân.

Trong 2 ngày 16-17/8, mặc dù trời có mưa nhưng Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Hà Nội cần huy động thêm các lực lượng tham gia phòng chống SXH. Đồng thời, đẩy mạnh việc phun mù nóng vì hiện nay việc phun này hiệu quả hơn phun sương. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất phải tiến hành thực hiện đúng theo khuyến cáo phun 3 lần.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Tuy nhiên, để việc phòng chống hiệu quả, đề nghị công tác truyền thông đi trước 1 bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, lăng quăng; dấu hiệu của bệnh và khi mắc bệnh thì nên điều trị thế nào.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, Hà Nội cần tiếp tục phun thuốc diệt trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng. Đặc biệt, phát huy vai trò của đội xung kích diệt bọ gậy tại các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần