Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Start Up và những cơ hội phát triển

Khắc Kiên - Minh Mạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi nghiệp (Start Up), đổi mới sáng tạo đang được Chính phủ, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương quan tâm, tạo điều kiện, đồng thời cũng thu hút ngày càng nhiều sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.

Điều đó không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ DN, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đã và đang được cải thiện để khuyến khích, tạo cơ hội phát triển cho các DN Start Up.
Bài 1: Muốn thành công phải đổi mới sáng tạo
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, một quốc gia, một DN đi sau có thể đuổi kịp và vượt lên các quốc gia, DN có trình độ phát triển hơn nhiều nếu biết tạo nên thời cơ và tận dụng thời cơ mà cuộc cách mạng số mang lại.
Từ tầm nhìn chiến lược…
Theo dự báo mới đây, chỉ 15 năm nữa, mọi tổ chức DN sẽ trở thành DN số, mỗi công dân đều có thể trở thành DN số. Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ, trong lịch sử đất nước, chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội để phát triển. Theo ông Tuyển, thách thức lớn nhất vẫn là vượt qua chính mình, vượt qua sự bảo thủ trong tư duy phát triển, vượt qua tâm lý tự hài lòng của cách nghĩ tiểu nông... để dám chấp nhận mạo hiểm, đổi mới sáng tạo.
 DN starup giới thiệu sản phẩm trong gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh Khắc Kiên
Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Bá Ân - Tổng Thư ký quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh khẳng định: Đối với Việt Nam, đây là thời cơ vàng nhưng cũng không ít thách thức. Với những lợi thế so sánh về sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là lợi thế về dân số vàng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng để nắm bắt cơ hội này và phát triển nếu có nhận thức đúng, có tầm nhìn xa, chiến lược tốt và hành động nhanh, quyết liệt hơn.
“Muốn vươn lên tiến cùng thời đại, lựa chọn đúng đắn và tốt nhất là phải nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng số) này, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế số, xây dựng quốc gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” – ông Ân nhấn mạnh.
Nguồn lực sẽ không thiếu nếu biết cách làm
Chính phủ mới đây đã thông qua Đề án "Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam". Tuy vậy, nhìn lại những kết quả Start Up đã đạt được thấy rằng công tác quản lý, sự hỗ trợ
Việt Nam hiện được xếp thứ 3 trong danh sách những quốc gia tốt nhất thế giới nên đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực Start Up. Thời gian qua đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng DN Start Up khi có khoảng 1.800 DN, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy Start Up được thành lập.
của Nhà nước chưa theo kịp được, như hiện tượng của Nguyễn Hà Đông viết phần mềm Flappy Bird là một ví dụ. Bộ KH&CN đã đề xuất với Chính phủ xây dựng cổng thông tin kết nối, cung cấp thông tin đầy đủ cho hoạt động Start Up, đổi mới sáng tạo của đất nước. Ngoài việc công khai tất cả các văn bản thủ tục hành chính về hình thành các DN Start Up thì cổng thông tin này sẽ đưa lên toàn bộ cơ sở dữ liệu công nghệ, sáng chế của Việt Nam và nước ngoài để cá nhân, DN muốn tham khảo, tìm hiểu đều có cơ hội tìm đến công nghệ.
Có nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư vào KH&CN ở nước ta còn quá khiêm tốn khi chỉ chiếm 1% GDP (trong đó, Nhà nước chiếm 0,54%, còn lại là của tư nhân). Tuy nhiên với góc nhìn mới, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, nếu coi 0,54% ngân sách Nhà nước dành cho phát triển KH&CN là đồng vốn cho vay thì chỉ một năm sau có 1%, năm sau nữa có 2 - 4% và chỉ ít năm sau sẽ lên đến 100% GDP dành cho KH&CN bởi người dùng, DN sẽ rót tiền vào đầu tư cho các sản phẩm công nghệ có tiềm năng. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, với các quỹ phát triển KH&CN thì phải làm bài toán xét duyệt, trong khi những ý tưởng đổi mới sáng tạo rất khó thực hiện điều này. Bởi vậy, cần đổi mới mô hình, từ hỗ trợ cho không sang cho vay và chỉ dành cho người thắng cuộc với những ý tưởng Start Up sáng tạo. “Tâm lý tự nhiên của con người là dùng đồng tiền của mình thì luôn sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Vì vậy, các DN, cá nhân Start Up mới có thể dành hết quyết tâm để thực hiện những ý tưởng đã thành hình, có tiềm năng, đồng thời thu hút được những người khác góp vốn đầu tư” - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ...
            (Còn nữa)