Startup Việt Nam chuyển đổi thực tiễn, thu hút đầu tư

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN khởi nghiệp (startup) Việt Nam đã thiết thực hơn, sát với thực tiễn hơn, dựa vào thị trường lớn ở trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển, cũng như đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư...

Đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ tại Diễn đàn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dù lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, song ngoài các nhà đầu tư có mặt trực tiếp, đã có rất nhiều nhà đầu tư, DN startup ở khắp nơi đang theo dõi đã cho thấy một sự thích ứng theo hướng đi lên. Điều này lại càng được chứng tỏ khi năm nay số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cam kết tăng gấp rưỡi, gấp đôi số tiền đầu tư.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong khi nhiều nước trên thế giới đang căng mình chống dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tổ chức được các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, kể các hoạt động đối ngoại xuyên biên giới,... bởi “trong cái khó, ló cái khôn”, các DN đã thể hiện được tính chủ động, linh hoạt, thích ứng của mình.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng startup lớn mạnh. Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của DN và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nhân đạo… đã ra đời.
“Sau 1 năm các quỹ đầu tư vào DN khởi nghiệp ở Việt Nam tăng đột biến, đạt mức 800 triệu USD, song năm 2020 lượng vốn chỉ đạt khoảng hơn 200 triệu USD. Tuy vậy, trong bức tranh chung của cộng đồng startup của Việt Nam vẫn có những điểm sáng đáng lưu ý. Nhiều DN startup của Việt Nam đã nằm trong tốp đầu, đồng hành cùng với các DN nước ngoài khi cung cấp được các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử cũng như tạo các không gian làm việc chung” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo bộ, ngành và đại diện các DN đầu tư khởi nghiệp.
Đồng thời cũng cho rằng, “dù mừng nhưng chúng ta cũng không nên quá hài lòng”. Đơn cử, nhiều dự đoán cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ làm cho thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tăng đột biến nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. Chính vì thế, Việt Nam cần huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các DN startup tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ luôn mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam. Các DN startup trong nước cũng cần tự tin hơn từ những bài học, kinh nghiệm, cách làm của mình để bước ra thế giới. Tới đây, khi Chính phủ triển khai chương trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, DN và toàn xã hội, chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng DN startup.
“Với tất cả các DN, đặc biệt là cộng đồng DN startup hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, bằng sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, giữa DN theo mô hình truyền thống hay startup đổi mới sáng tạo, thì cộng đồng startup sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng nhau đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào phát triển trong khu vực, giải quyết những vấn đề chung của nhân loại” - Phó Thủ tướng tin tưởng.
Nhiều năm đồng hành với các sự kiện liên quan đến cộng đồng startup, Phó Thủ tướng cho rằng Diễn đàn đã nói lên những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, mong muốn của các nhà đầu tư, cộng đồng startup. Các kiến nghị, góp ý đó sẽ được Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN làm đầu mối tập hợp, từ đó có những giải pháp, cơ chế, chính sách từng bước làm cho môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, cho cộng đồng startup và các quỹ đầu tư nói riêng, hoạt động hiệu quả hơn.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần