Sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập hai quận mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, TP Hà Nội đã phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị. Trong đó, huyện Từ Liêm, nơi điển hình đô thị hóa cao, đặt ra cho chính quyền các cấp ở địa phương nhiều khó khăn trong việc quản lý xã hội, quản lý dân cư, quản lý quy hoạch, đô thị xây dựng...

Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2007, TP và huyện đã tiến hành việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện để đáp ứng nhu cầu phát triển, tới nay công việc này cơ bản hoàn tất.

 Huyện Từ Liêm hiện nay có diện tích tự nhiên 7.562,70 ha, dân số 553.294 nhân khẩu, mật độ dân số là 7.300 người/km2. Dự báo trong khoảng 1- 2 năm tới, nhiều khu đô thị mới được đưa vào sử dụng, khi đó dân số của huyện đạt ngưỡng trên 600.000 người và mật độ dân số ước hơn 10.000 người/km2, cao hơn nhiều so bình quân TP. Về kinh tế huyện,  tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ - du lịch đã chiếm 98,8%, nông nghiệp chỉ còn chiếm 1,2%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 90,8%, lao động nông nghiệp còn 9,2%; năm 2011, tổng thu ngân sách đạt trên 2.986,8 tỷ đồng, tổng chi ngân sách 1.647,8 tỷ đồng; năm 2012, thu ngân sách 2.612, 6 tỷ đồng, chi ngân sách 1.982,7 tỷ đồng; năm 2013 (ước thực hiện) tổng thu ngân sách 2.474,0 tỷ đồng, chi ngân sách 1.325,5 tỷ đồng, huyện đã tự cân đối thu - chi ngân sách; Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 34,5 triệu đồng, tăng 12,7% so với năm 2011.
Khu đô thị The Manor nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm được tập trung đầu tư, đồng bộ, hiện đại. Ảnh Yên Chi
Khu đô thị The Manor nằm trên địa bàn huyện Từ Liêm được tập trung đầu tư, đồng bộ, hiện đại. Ảnh Yên Chi
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2011, huyện Từ Liêm nằm trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội. Huyện đã có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng (S1, S2, S3, S4, S5, H2.1, H2.2, GS, R) được phê duyệt. Trong quy hoạch, đã bố trí quỹ đất, để xây dựng trụ sở các cơ quan trong hệ thống chính trị, các thiết chế văn hóa - xã hội, các công trình dân sinh phục vụ cho việc hình thành 2 quận và các phường mới. Đến nay, huyện Từ Liêm có hệ thống công trình hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư, đồng bộ, hiện đại và cơ bản hoàn chỉnh; đồng thời hình thành nhiều khu đô thị mới quy mô lớn, có  cảnh quan khang trang, kiến trúc hiện đại đồng bộ, như: Khu đô thị Mỹ Đình 1, khu đô thị Mỹ Đình 2,  khu đô thị BITEXCO, tòa nhà Keangnam... và nơi tập trung nhiều cơ quan TƯ như: Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm hội nghị quốc gia, Khu Liên hiệp thể thao quốc gia,… nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Trong những năm qua, tại đây đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá tầm cỡ quốc tế, khu vực, như các hội nghị APEC, ASEM, ASEAN... ; các sự kiện trong đại của quốc gia, như Đại hội Đảng toàn quốc, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... diễn ra an toàn, an ninh tuyệt đối được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Huyện hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hàng trăm cơ quan tổ chức của T.Ư và TP. Bên cạnh thuận lợi, huyện đang gặp không ít thách thức, thường xuyên phải giải quyết khối lượng lớn về quản lý nhà nước. Đơn cử, năm 2012, huyện phải giải quyết 506.818 thủ tục hành chính cho các tổ chức và công dân (gấp nhiều lần các quận, huyện khác của TP Hà Nội và tương đương và nhiều hơn số thủ tục hành chính phải giải quyết của một số tỉnh miền Bắc. Với khối lượng công việc trên, một đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không còn phù hợp.

Hơn nữa, phần lớn dân số các xã của huyện đều có quy mô lớn, vượt mức bình thường,  thậm chí có xã có hơn 77.000 nhân khẩu, lớn gấp 3 - 4 lần so các xã trung bình trên địa bàn TP. Đa số các xã, thị trấn đã đô thị hóa ở mức cao, nhiều nơi đã đô thị hóa 100% và có hạ tầng kỹ thuật đô thị đạt tiêu chí cấp phường; kinh tế gần 100% là công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ - du lịch. Trong khi công tác quản lý vẫn theo mô hình nông thôn, đã khiến công tác quản lý xã hội, dân cư; quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị... gặp nhiều khó khăn phức tạp.

Xuất phát từ thực tiễn trên, từ năm 2007, huyện Từ Liêm và TP Hà Nội đã xây dựng Đề án đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập 2 quận và các phường. Đây là chủ trương rất đúng và cần thiết, đáp ứng với mong muốn và nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, vì nhiều công việc TP phải ưu tiên tập trung thực hiện, như triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12, sau đó là tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...,  đến nay, công tác chuẩn bị  điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và các phường đã được TP và huyện chuẩn bị cơ bản hoàn tất.

Trên cơ sở đề nghị của TP Hà Nội, ngày 28/11/2013, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 428/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm) nhất trí chủ trương, giao TP Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và các xã, thị trấn để thành lập thành lập 2 quận và 23 phường.

Theo các cơ quan chức năng TP, công tác xây dựng Đề án và triển khai điều chỉnh địa giới hành chính đã cơ bản hoàn tất. Hy vọng, việc triển khai điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm sẽ nhận được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, hiệu quả và đạt tiến độ, kế hoạch, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Và từ đây, sẽ mở ra cơ hội mới cho khu vực huyện Từ Liêm  phát triển xứng tầm với tiềm năng và vị thế của những quận mới, có đô thị, với cảnh quan khang trang  hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.