Sự cố y khoa rất đáng phải được rút kinh nghiệm

Trần Hà ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư về sự việc tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình bên hành lang Quốc hội.

Ngày 30/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ việc bệnh nhân chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện đồng loạt triệu chứng của sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ĐB Quốc hội, GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư chia sẻ: Là một cán bộ y tế, phải khẳng định rằng đây là một nỗi đau, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng và rất đáng phải được rút kinh nghiệm.
 GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư 
Theo GS Nguyễn Anh Trí, việc tạm dừng chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình là đúng đắn. Nên tạm thời dừng hoạt động để vừa rút kinh nghiệm, vừa rà soát lại hoạt động, trang thiết bị, đường dẫn, nước, thuốc men từ đó có bằng chứng rút kinh nghiệm tốt hơn.

“Cả nước có rất nhiều cơ sở có máy và các trung tâm chạy thận nhân tạo, chúng ta có rất nhiều bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo. Có thể nói sự cố y khoa là rất đau lòng nhưng đây cũng là việc thường xuyên xảy ra trong lúc hành nghề, bất cứ quốc gia nào cũng thế. Vấn đề của chúng ta là làm sao cho sự cố y khoa ít nhất, thấp nhất, ít nghiêm trọng”, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ. Đồng thời cho rằng, đi sâu hơn về mặt chuyên môn, để kết luận chính thức chúng ta cần có điều tra khảo sát kỹ lưỡng hơn, vì nếu nói sớm quá có thể không đúng, thậm chí còn gây ra sự xáo trộn trong dư luận. “Nhưng tôi nghĩ khả năng bị sốc, liên quan đến cái gì đó, có thể là nước, thuốc mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải là đơn lẻ”, ĐB Trí phân tích.

“Đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam. Sốc phản vệ thì không ai nói trước được cả, thậm chí tiêm vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong. Nhưng sự cố cả 18 người đều bị ảnh hưởng và 6 người tử vong. Như vậy rất cần thiết phải rút kinh nghiệm”, GS Nguyễn Anh Trí nói. Đồng thời cho rằng, “trước mắt cần tập trung cứu chữa những người còn lại để vượt qua cái sốc. Tiếp tục giải quyết những người bị suy thận cần chạy thận nhân tạo, sự chia sẻ của bệnh viện lân cận cũng như bệnh viện tuyến T.Ư. Còn một mặt nữa, tôi mong và biết Bộ y tế sẽ tiến hành rút kinh nghiệm phổ biến cho cả nước”.

Trả lời câu hỏi về việc có nên công bố rộng rãi nguyên nhân của sự việc này, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng: Rất nên công bố nguyên nhân và tôi đã nói điều này với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là cần sớm phải công bố bởi bệnh nhân đã tử vong rồi. Tôi cam đoan không có bác sĩ, nhóm bác sĩ nào trong quá trình hành nghề lại mong muốn bệnh nhân tử vong nên cần sớm phải công bố để rút kinh nghiệm, xử lý.

 ĐB Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh: Nên tìm rõ nguyên nhân

Ngày 30/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Bác sĩ kết luận sốc phản vệ rồi, nhưng tại sao lại sốc phản vệ, chắc chắn gặp phải yếu tố gì đó. Bây giờ tất cả niêm phong tìm nguyên nhân. Không loại trừ khả năng nước, vệ sinh ống, hệ thống máy móc, các hóa chất kháng khuẩn... ở đây có vấn đề. Còn bảo là do thuốc thì vô lý, vì mỗi người thuốc khác nhau, mỗi người 1 bệnh khác nhau. Theo tôi biết các bệnh viện trong TP, kể cả bệnh viện quận cũng đã có điều kiện chạy thận rồi, để cứu cánh cho bệnh nhân, chứ không phải mới thực hiện, nên cần xem lại quy trình và nguyên nhân. Rủi ro là một chuyện nhưng ta phải quản lý rủi ro đó và phản ứng của ta có kịp thời hay không trong việc cấp cứu cho bệnh nhân. Xảy ra việc này là quá đau lòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần