Sử dụng cát biển trong xây dựng: Cần sự đầu tư lớn về công nghệ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến 2050, nhu cầu cát xây dựng (chỉ tính riêng cho bê tông và vữa) ở Việt Nam đến năm 2025 khoảng 170 - 190 triệu m3/năm, đến năm 2030 khoảng 200 - 220 triệu m3/năm.

Cát biển được đưa vào nhóm VLXD thay thế cát sông đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm vì hiện tượng khai thác cát sông tràn lan dẫn đến việc sạt lở bở sông, dòng chảy có độ xoáy lớn làm thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng ven sông. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc tẩy rửa nguồn cát biển để đưa vào xây dựng cần chi phí lớn về đầu tư, vì vậy đây là chiến lược lâu dài, cần có sự nghiên cứu kỹ hơn về công nghệ và ứng dụng thực tế.
Xu hướng mới
Theo số liệu báo cáo từ Vụ VLXD, Bộ Xây dựng, hiện nay trên thế giới nhiều nước phát triển do khan hiếm nguồn cát sông đã nghiên cứu công nghệ để cải tạo nguồn cát biển để phục vụ trong xây dựng, như tại Anh (cát biển chiếm khoảng 17%), Nhật Bản (khoảng 12%), Hàn Quốc (khoảng 28%)... Chiến lược phát triển ngành VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến 2050 đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt trong Quyết định số1266/2018/QĐ-TTg thì nhu cầu cát xây dựng (chỉ tính riêng cho bê tông và vữa) ở nước ta đến năm 2025 cần khoảng 170 - 190 triệu m3/năm, đến năm 2030 cần khoảng 200 - 220 triệu m3/năm.
Tẩy rửa cát biển cần công nghệ đầu tư lớn dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư xây dựng (Ảnh: inernet).
Trong khi đó, tổng trữ lượng nguồn cát sông của Việt Nam chỉ có khoảng 2,3 tỷ ự Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thiếu hụt nghiêm trọng cát xây dựng. Vì vậy, gần đây, Viện VLXD (Bộ Xây dựng) đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn cho chế tạo bê tông phục vụ cho công trình xây dựng tại vùng duyên hải cũng như khu vực hải đảo.
Nguyên Trưởng ban chiến lược (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng, cát biển được hình thành và chịu sự tác động của phong hóa nhiều hơn nên về đặc tính kỹ thuật sẽ tốt hơn cát sông. Các nước phát triển trên thế giới đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng thành công nguồn cát biển phục vụ cho xây dựng trong nhiều năm qua, trong khi đó tiềm năng về nguồn cát biển ở Việt Nam rất lớn, nên Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.
Phải có cơ chế khuyến khích 
Theo Giám đốc Nhà máy Nghiền sàng đá và cát nhân tạo Việt Nam Nguyễn Trung Hiếu, mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã đầu tư cho việc nghiên cứu cải tạo nguồn cát biển với mục đích thay thế cát sông trong xây dựng. Ở Mỹ, châu Âu cũng đã đưa cát biển vào xây dựng từ cách đây hàng chục năm. Nhưng qua thực tế cho thấy, do cát biển có tính mặn rất cao, để có thể cải tạo đưa vào sử dụng không phải việc đơn giản, đặc biệt là công nghệ tẩy rửa mặn.
“Qua thực tế cải tạo cát biển để đưa vào sử dụng tại một số nước trên thế giới cho thấy chi phí rất lớn, kéo theo đó là việc gia tăng chi phí đầu tư tại các công trình xây dựng. Vì vậy, chỉ ở những khu vực đặc biệt thiếu nguồn cát sông và thiếu nguyên liệu để sản xuất cát nhân tạo thì người ta mới bắt buộc phải tẩy rửa nguồn cát biển để đưa vào sử dụng” – ông Nguyễn Trung Hiếu cho hay.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc áp dụng công nghệ tẩy rửa mặn của cát biển nhằm cải tạo để đưa vào sử dụng thay thế nguồn cát sông là chiến lược phù hợp với lộ trình phát triển, để tránh việc phải nhập khẩu cát xây dựng trước tình trạng nguồn cát sông ngày càng khan hiếm. Nhưng vấn đề đầu tư công nghệ hết sức quan trọng, bởi lượng muối trong cát biển nếu không được xử lý tốt sẽ ăn mòn kết cấu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp cũng không dám mạnh dạn đầu tư sản xuất do sản phẩm này chưa có sự kiểm chứng thực tế ở Việt Nam dẫn đến tâm lý e ngại khi sử dụng của người dân.
“Vì vậy, về lâu dài muốn đưa nguồn cát biển vào sản xuất, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu về công nghệ, thử nghiệm thực tế và cũng phải có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong quá trình tạo dựng thị trường” – ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần