Sử dụng ma túy trong giới trẻ: Hậu quả khôn lường

Hồng Thái – Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vụ việc 7 nạn nhân tử vong, 5 người rơi vào tình trạng nguy kịch nghi do sốc ma túy trong Lễ hội âm nhạc điện tử “Du hành tới mặt trăng” tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây đêm 16/9 là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ.

Vấn đề này đã được báo động từ lâu, song dường như nhiều bạn trẻ vẫn coi sử dụng ma túy như một cách để thể hiện “chất chơi” của mình. 
Người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa

Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), cùng với các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin, cần sa, hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy tổng hợp. Việc sử dụng ma túy tổng hợp gây ra những hậu quả đáng lo ngại cho người sử dụng, gia đình và cộng đồng. Ngoài sự tò mò, hiếu kỳ, lối sống ăn chơi, buông thả, một bộ phận thanh, thiếu niên còn thiếu nhận thức về tác hại của các loại ma túy tổng hợp. Nhiều bạn trẻ cho rằng, chúng không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống nên mất cảnh giác, dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ và tái sử dụng nhiều lần dẫn đến nghiện. Chính sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ đã dẫn tới thực trạng số người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.
 Một nhóm bạn trẻ hít bóng cười. (ảnh cắt từ clip)
Theo thống kê của Bộ Công an, cả nước hiện có hơn 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó sử dụng ma túy tổng hợp chiếm hơn 70%. Cá biệt có những địa phương tỷ lệ rất cao như Trà Vinh 96%, Đà Nẵng 86%, Quảng Trị 84%. Qua khảo sát ở nhiều địa phương, lứa tuổi thanh niên dùng ma túy tổng hợp có tỷ lệ cao. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, người sử dụng ma túy tổng hợp tập trung phần lớn ở lứa tuổi 17 - 18.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, nếu trước đây bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc do sử dụng ma túy chủ yếu là heroin thì hiện số này đang giảm dần và chuyển sang ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay tưởng bóng cười lành nhưng thực tế lại rất độc, khi hít nhiều gây tổn thương tủy sống. "Hầu như ngày nào, Trung tâm cũng tiếp nhận vài ca đến tiêm giải độc do hít bóng cười" - bác sĩ Nguyên cho biết.

Ngộ độc ma túy, bóng cười tăng mạnh

Điều đáng lo ngại là hiện nay, tình trạng sử dụng cùng lúc nhiều loại chất gây nghiện như vừa hút cần sa, vừa sử dụng ma túy đá, thuốc lắc gây ngộ độc cấp tính đang gia tăng trong giới trẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, không chỉ ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe, gây hôn mê, co giật tức thời hay tự gây thương tích cho bản thân, ngộ độc cấp tính ma túy đá cũng gây ra biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, xuất huyết não, viêm cơ, suy thận, rối loạn tâm thần.

"Đối với người sử dụng ma túy, Luật Phòng, chống ma túy quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1 - 2 năm. Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định." - Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy


"Hiện nay, test thử ma túy của Việt Nam sản xuất có tỷ lệ sai số cao gây khó khăn trong công tác quản lý và chẩn đoán ban đầu. Trong khi đó, test thử ở nước ngoài có độ chính xác cao nhưng lại không được phép nhập vào Việt Nam. Do vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét vấn đề này để cải thiện tình trạng quản lý các đối tượng nghiện hút trong xã hội." - Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

Trong số những bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp dẫn tới hoang tưởng, rối loạn tâm thần phải vào Trung tâm Chống độc điều trị, nhiều người không thể hồi phục như ban đầu. Như trường hợp nữ bệnh nhân (sinh năm 1994, quận Hoàn Kiếm) đang điều trị tại trung tâm do ngộ độc ma túy tổng hợp đã 20 ngày nhưng vẫn ở tình trạng mất nhận thức cả về không gian lẫn thời gian, trí nhớ lẫn lộn, tổn thương não. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân, suy hô hấp nặng, sốt 410C do vừa hút cần sa, vừa sử dụng ma túy tổng hợp. “Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân này có phản ứng dương tính với các chất MDMA và Methamphetamin. Đây là các chất có trong ma túy dạng “đá” và có tác dụng nhanh theo đường tiêm chích hoặc hút, nhưng chuyển hóa rất chậm. Đặc biệt Methamphetamin có tác động gây tạm thời mất cảm giác thèm ăn, tăng nhịp tim, tăng huyết áp khiến người sử dụng luôn ở trạng thái thức tỉnh, căng thẳng, hứng tình về cả tâm lý lẫn thể chất” – bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Mặt khác, theo Giám đốc BV Tâm thần T.Ư I La Đức Cương, một số “dân chơi” hiện nay tự suy nghĩ rằng, sử dụng ma túy tổng hợp sẽ không gây nghiện như heroin là sai hoàn toàn. Bởi, ma túy tổng hợp vẫn gây nghiện, thậm chí nguy hại hơn là có thể dẫn tới tình trạng thần kinh bị tê liệt và không thể hồi phục được. Hầu hết người sử dụng ma túy "đá" đều rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân thường gặp tình trạng này ngay sau khi sử dụng, mất ngủ khoảng 2 - 3 ngày liên tục.

Trước sự gia tăng của những người nghiện ma tuý như hiện nay, vấn đề được dư luận quan tâm là việc quản lý, điều trị cho những người nghiện một cách phù hợp. Bên cạnh đó, phải có biện pháp phối hợp quản lý giữa gia đình và địa phương, phòng tránh tình trạng người nghiện ma tuý có thể gây án.

"Trong trường hợp gặp bệnh nhân bị sốc ma túy tổng hợp, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy người bệnh có biểu hiện khó thở, co giật, hôn mê. Nếu bệnh nhân bị kích thích, vật vã, không được để bệnh nhân ngã, va đập, để bệnh nhân xa các vật sắc nhọn, xa các khu vực có thể dễ ngã. Trong lúc chờ xe cấp cứu nên để bệnh nhân nằm nghiêng, tránh chất nôn tràn vào đường thở. Đồng thời, làm thông đường thở bằng cách ngửa đầu ra phía sau, nâng nhẹ hàm trước, nếu có nôn thì dùng ngón tay để móc chất nôn ra làm thông đường thở." - Giám đốc BV Tâm thần T.Ư I La Đức Cương