Su hào được "giải cứu" nên làm những món gì?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân Hà Nội, các tỉnh đã và đang nhiệt tình "giải cứu" nông sản cho nông dân ở Hải Dương, trong đó có việc tiêu thụ su hào. Xin giới thiệu với độc giả một số món ăn ngon được làm từ su hào.

1. Kim chi su hào

Nguyên liệu: 3 củ su hào; 1 củ gừng, 1 ít hành
Gia vị muối kim chi: 50gr tương ớt, 100ml nước mắm chay, 100gr đường, ớt bột hàn quốc, ớt bột cay

Thực hiện: Su hào cắt miếng hình chữ nhật vừa ăn trộn nước sốt: cho nước mắm, đường, tương ớt vào chung một to, khuấy đều cho su hào và hành xắt chéo, gừng cắt lát vào chung một to. Cho tiếp ớt bột cay và ớt hàn quốc vào. Cho tiếp nước sốt vào, rồi trộn nhẹ. Cho vào hũ đậy kín, để ngoài 3 ngày, sau 3 ngày thì cho vào tủ lạnh để ăn được lâu hơn.
Món kim chi su hào này có thể làm món ăn kèm, hoặc dùng để chiên cơm đều rất ngon.
 
2. Su hào xào cà chua

Nguyên liệu: 1 củ su hào; 1 quả cà chua; hành, rau mùi, tiêu xay, muối.
Thực hiện: Su hào và cà rốt thái sợi, rau mùi cắt nhỏ, hành băm nhỏ; phi thơm hành với dầu thực vật, cho cà chua vào xào mềm, cho tiếp su hào và cà rốt vào đảo với lửa lớn, cho gia vị muối và tiêu xay vào vừa ăn. Rau vừa chín thì tắt bếp, rắc mùi lên trên và dọn ra đĩa
3. Su hào nấu canh rau củ thập cẩm

Nguyên liệu: Su hào: 1 củ; Cà rốt: 1 củ; Khoai tây: 1 củ; Ngô: 1 bắp; Nấm rơm: 100 gram; Hành lá, gia vị: dầu thực vật, muối nước tương.
Thực hiện: Su hào, cà rốt, khoai tây rửa sạch, cắt miếng vuông vừa ăn, ngô rửa sạch cắt khúc vừa, nấm cắt đôi
Cho dầu ăn vào nồi, phi thơm đầu trắng của hành. Cho su hào, cà rốt, khoai tây vào đảo sơ, sau đó cho nước ngập đồ ăn. Cho tiếp ngô, muối và nước tương vừa ăn.
Đun đến khi đồ ăn chín mềm, cho tiếp nấm hương vào đun sôi lần nữa và tắt bếp.
Rắc hành băm nhỏ lên trên và dọn ra bàn nhé!
 
4. Su hào kho
Nguyên liệu: 1 củ su hào; gia vị: muối, đường, tiêu xay, xì dầu đặc
Thực hiện: Su hào rửa sạch thái con chì. Cho su hào vào nồi, nêm muối, đường, xì dầu đặc, tiêu xay theo khẩu vị
Thêm nước sấp mặt su hào. Đun đến khi nước su hào mềm và nước cạn thì tắt bếp

Rắc tiêu xay lên trên và dọn ra bàn.

5. Nộm su hào cà rốt

Nguyên liệu: ½ củ cà rốt; ½ củ su hào; Rau mùi; Lạc rang, giã vỡ
Nước chấm: Muối, đường đỏ, nước lọc, nước chanh, ớt bằm
Thực hiện: Cà rốt, su hào thái sợi dài (có thể nạo, nhưng cắt sẽ ngon hơn). Cho chút muối vào trộn lên rồi để trong 15 phút. Cho nước lọc vào khuấy qua rồi chắt nước đi, ép nhẹ cho ráo nước (Ép nhẹ nhàng để không làm nát sợi). Làm như vậy một lần nữa là được.
Hòa muối và đường vào nước lọc cho đậm vừa miệng. Vắt thêm chanh, cho ít ớt bằm vào, khuấy đều.
 
Đổ nước chấm vào hỗn hợp su hào, cà rốt, rau mùi, trộn đều. Cho nộm ra đĩa. Rắc thêm rau mùi lên trên, cùng với lạc rang giã dập.
6. Su hào và các loại rau củ chiên giòn

Nguyên liệu: ½ củ khoai lang; ¼ củ su hào; 100gr bí đỏ; ½ củ cà rốt; hành lá. Bột mì, 1 quả trứng gà
Thực hiện: Khoai lang, su hào, bí đỏ, cà rốt thái sợi, hành lá cắt nhỏ. Trộn hỗn hợp rau củ với bột mì, ít muối, trứng gà trong một cái âu lớn. Cho thêm ít nước lạnh cho hỗn hợp vừa sệt. Chiên rau củ trong chảo dầu sôi như lúc chiên bánh khoai. Đến khi rau củ chín giòn thì để ráo dầu và sắp ra đĩa
Món rau củ chiên này ăn ngon không kém các loại bánh. Có thể chấm với tương ớt hoặc tương cà hoặc nước mắm chanh tỏi ớt đều ngon. 
Trên đây là những cách chế biến su hào ngon miệng và không kém lạ, độc đáo.
Chú ý khi ăn su hào
Su hào có thể ăn sống hoặc qua nấu nướng. Có thể ăn củ lẫn lá vì cả hai đều dồi dào dưỡng chất và khoáng chất như vitamin C, vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin K, đồng, potassium (kali), manganese, sắt, calcium… Ngoài ra, su hào còn chứa hàm lượng cao các chất xơ, các hợp chất chống oxy hóa nên có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người như: Giúp cải thiện tiêu hóa, giảm cân, điều hòa huyết áp; ngừa thiếu máu – ung thư,… Với những lợi ích đáng quý của su hào vừa được nêu trên, bạn có thể chế biến su hào thành nhiều món ăn ngon và tốt cho sức khỏe.
Mặc dù được chế biến thành rất nhiều món ăn con và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi ăn su hào các bạn cần lưu ý người bị bệnh đau dạ dày và trẻ em không nên ăn su hào sống và có chế độ ăn uống phù hợp bởi ăn nhiều su hào sẽ bị hao tổn khí huyết. Bên cạnh đó, những người bị bệnh tuyến giáp cũng nên hạn chế ăn các món ăn được chế biến từ su hào, vì trong su hào có chứa chất goitrogens có thể gây sưng tuyến giáp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần