Sự kiện kinh tế tuần: 19 Tập đoàn, Tổng công ty DNNN đã về "Siêu ủy ban"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàn tất chuyển giao 19 "ông lớn" DNNN về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN; Giá điện có thể tăng trong 2019; Agribank bác tin đồn phá sản ngân hàng... là nội dung chú ý tuần qua.

Hoàn tất chuyển giao 19 "ông lớn" DNNN về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Với sự kiện bàn giao 5 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN vào chiều 15/11, quá trình chuyển giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty từ các bộ ngành về một mối đã chính thức hoàn tất.
 
Trước đó, 4 bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông đã lần lượt chuyển giao các tập đoàn về "siêu ủy ban".
Trong đó, ngày 10/11, Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên thực hiện việc bàn giao 6 Tập đoà, Tổng công ty thuộc bộ này quản lý. Cụ thể gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Ngay sau đó, trong ngày 12/11, 3 Bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Thông tin và Truyền thông đã lần lượt bàn giao 8 DN trực thuộc về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.
Cụ thể gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị cuối cùng thực hiện chuyển giao DN về “siêu ủy ban”. 5 DN được chuyển giao gồm: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Lương thực Miền Nam.
Như vậy, tính đến ngày 15/11, việc chuyển giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty về "siêu ủy ban" đã được hoàn tất.
Điều đó đồng nghĩa với việc, hơn 1 triệu tỷ đồng vốn nhà nước và tổng tài sản trị giá khoảng 2,3 triệu tỷ đồng tại 19 Tập đoàn, tổng công ty này sẽ chính thức được giám sát bởi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Trước đó, giữa năm 2018, thông tin về cách thức quản lý vốn nhà nước tại các DN này, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện quản lý DN trên cơ sở các bộ chỉ số, thông qua hệ thống cổng thông tin.
Mục tiêu của việc áp dụng bộ chỉ số này là để kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của DN, qua đó nắm được tất cả tình hình của DN, đặc biệt là việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương…
Việc tiếp cận DN sẽ dựa trên 3 yếu tố: Mô hình công nghệ thông tin, cơ sơ dữ liệu trực tuyến (trong đó sẽ có các bộ chỉ số phần mềm giám sát DN nhằm phân tích và cảnh báo về hoạt động của DN) và giám sát, quản lý DN thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó, Ủy ban sẽ tham mưu cho Chính phủ để vốn nhà nước tại DN có hiệu quả cao nhất.
Được biết, một phòng điều hành trung tâm sẽ được bố trí tại cơ quan “siêu ủy ban”, qua đó, lãnh đạo DN có thể kết nối trực tiếp với cơ quan này để trao đổi công việc hàng ngày, hoặc những thông tin số liệu cần cập nhật ngay.
Với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, “siêu ủy ban” có thể nắm được số liệu của DN hàng tuần mà không cần phải đợi hàng tháng, hàng quý DN báo cáo về, do đó những biến động an toàn hay không an toàn của dòng vốn cơ quan này đều nắm được. Việc giám sát quản lý này trên tinh thần quản lý sử dụng đồng vốn hiệu quả, không can thiệp cụ thể vào các hoạt động của DN.
Giá điện có thể tăng trong 2019
Tại cuộc họp với một số bộ, ngành về xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh giá điện vào thời điểm phù hợp, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%.
 
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN sớm rà soát công bố công khai giá thành điện năm 2017 ngay trong tháng 11/2018, làm cơ sở để xây dựng kịch bản điều hành năm 2019.
Kịch bản giá điện có tính đến việc thực hiện giá khí trong bao tiêu theo giá thị trường, các khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ, biến động vật tư đầu vào (than, dầu) và chỉ đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu khoảng 3% cho EVN.
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, giá điện không điều chỉnh tăng trong năm 2018 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2018 dưới 4%.
Tuy nhiên, theo ông An, chi phí đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có than, dầu tăng giá, nguồn khí cấp cho phát điện cũng đã đến giới hạn khai thác,... nếu giá điện không được điều chỉnh gây khó khăn cho hiệu quả kinh doanh và hoạt động của ngành điện.
Ngoài ra, dự báo thời tiết năm 2019 sẽ bất lợi khi hiện tượng El Nino có thể gây ra hạn hán, ảnh hưởng tới việc tích nước và hoạt động của các nhà máy thuỷ điện. Cùng đó, rủi ro từ không bảo đảm tiến độ vận hành các nhà máy điện tái tạo và các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của EVN vào giá thành sản xuất kinh doanh điện theo hợp đồng mua bán điện cũng là áp lực.
Thứ trưởng Công Thương cho biết, Bộ này đã xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện năm 2019 trên cơ sở các quyết định của cấp có thẩm quyền và để bảo đảm EVN kinh doanh có lãi, tăng cường tiềm lực tài chính đầu tư vào phát điện.
Đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là 1/12/2017. Theo đó, mỗi kWh điện tăng lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó. Hiện tổng chi phí bị "đội" lên năm 2018 và 2019 của EVN khoảng 20.735 tỷ đồng.
Agribank bác tin đồn phá sản ngân hàng
Ngày 11/11, Agribank phát đi thông cáo khẳng định tin phá sản ngân hàng xuất hiện tại một số địa phương những ngày gần đây là tin đồn thất thiệt.
 

Ngân hàng này cũng khẳng định việc phá sản Công ty Cho thuê Tài chính II (ALCII) không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank cũng như tiền gửi của khách hàng tại Agribank.

Cụ thể, trong thông cáo phát đi, Agribank cho biết ngày 9/11, sau khi ông Lê Bạch Hồng, cựu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam bị bắt giữ đã có một số trang thông tin điện tử đề cập đến việc Agribank đứng ra bảo lãnh cho ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam, đồng thời quy kết "ALCII bị tuyên phá sản, Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay cho ALCII".

Ngay sau đó đã có những tin đồn thất thiệt rằng Agribank phá sản tại một số địa phương. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp đã xảy ra hiện tượng công nhân xin nghỉ việc để đến ngân hàng rút tiền.

Trước tình hình trên, Agribank cho biết thực hiện Đề án tái cơ cấu Agribank, ngày 30/5/2016, ALCII đã đệ đơn lên tòa án xin tuyên bố phá sản.

Ngày 31/7/2018, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định tuyên bố phá sản đối với ALCII.

Ngày 12/10/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của ALCII.

Theo quyết định của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt là đơn vị được giao nhiệm vụ quản tài viên xử lý công nợ liên quan đến ALCII.

ALCII là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân độc lập. Các sai phạm diễn ra trong giai đoạn 2006-2008 đã được phát hiện và xử lý từ nhiều năm trước.

Agribank khẳng định, việc phá sản ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank cũng như tiền gửi của khách hàng tại Agribank.

Sau giai đoạn tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh của Agribank đang được cải thiện, lợi nhuận trước thuế tăng dần qua các năm.

Năm 2016 lợi nhuận trước thuế của NH này đạt 4.212 tỷ đồng, năm 2017 đạt 5.018 tỉ đồng, 10 tháng năm 2018 đạt 6.000 tỉ đồng.

Về vấn đề liên quan đến ALCII, Báo cáo kiểm toán năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước đối với BHXH Việt Nam đã có kết luận cụ thể, cơ quan cảnh sát điều tra đang xác minh làm rõ, Tòa án nhân dân TP.HCM và Tòa án cấp cao đang xử lý theo trình tự vì thế Agribank sẽ thông tin đầy đủ ngay sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Tổng kiểm toán Nhà nước: Để sót, lọt nguồn thu thuế rất lớn

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) bày tỏ ngạc nhiên trước phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc dự thảo luật, Kia
 
Đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, việc thu hẹp nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm toán trong dự luật sửa đổi lần này "là chưa thận trọng, chưa toàn diện về cơ sở pháp lý, thực tiễn, bởi cơ quan thuế mới thanh tra được 18% các DN thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa là 82% còn lại "vẫn là khoảng trắng chưa được kiểm tra, phát hiện.
Đáp lại sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan quản lý thuế, hải quan luôn thực hiện rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước
Qua thanh tra, kiểm tra năm 2017 ngành thuế xử lý 55.000 tỷ đồng, thu ngân sách 16.000 tỷ, xử lý giảm lỗ 37.000 tỷ. Tương tự, khi cơ quan kiểm toán nhà nước tại cơ quan thuế đối chiếu với DN cũng phát sinh thêm số thu tăng thêm cho ngân sách. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp vướng mắc khi cơ quan thuế bị người nộp thuế kiện do cho rằng kết luận đối chiếu truy thu thuế của kiểm toán không thỏa đáng.
"Chúng tôi đề nghị, ai kết luận thì người đó phải giải trình trước tòa", Bộ trưởng Tài chính nói và nhấn mạnh, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu để quy định trong luật đúng Hiến pháp, pháp luật, cũng như đảm bảo quyền lợi người nộp thuế, các cơ quan liên quan.
Dùng quyền tranh luận, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên lụy đến cơ quan thuế. “Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế” - ông Phớc khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn.
Dẫn ví dụ đối chiếu các DN ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, Tổng Kiểm toán cho biết, thất thu thuế 94% so với số đối chiếu. Kiểm tra dữ liệu cho thấy chính việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều DN sau khi nằm trong dạng rủi ro không thu được thêm thuế. Hay kết quả kiểm toán việc ưu đãi đầu tư tại khu chế xuất ở TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu gần 1.750 tỷ đồng...
"Kiểm toán nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán, không chỉ chi tiêu công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế. Chúng tôi chịu trách nhiệm về kết luận của mình", Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định và nói thêm, "đụng" vào DN nào thì DN đó đều ý kiến, nhưng khi kiểm tra trở lại thì có DN đề nghị được nộp thuế mà không bị xử phạt.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nêu lo ngại về tình trạng chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước nhưng dự thảo luật chưa có quy định rõ ràng, thể hiện sự nhìn nhận chưa đúng mức độ nghiêm trọng của tình trạng đang rút tài nguyên đất nước để đưa ra nước ngoài này.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng công tác thuế phải có tư duy linh hoạt, bám sát xu thế của kinh tế số thế giới hiện nay. "Nếu quản lý như cũ thì những thách thức kinh doanh qua mạng nan giải mà ngành thuế sẽ đối diện sẽ tiếp tục diễn ra như các vụ việc của Uber, Grab...
Theo đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) các sự kiện mới đây như hoạt động kinh doanh game trực tuyến, bán hàng qua mạng... đã cho thấy thương mại điện tử đang nở rộ và mang lại thu nhập rất lớn. Dù ngành thuế đã có rất nhiều nỗ lực để thu thuế nhưng kết quả mang lại vẫn còn chưa sát với thực tế.
Các đại biểu cho rằng, cần xác lập một tầm nhìn dài hạn, quản lý thuế theo phương thức mới theo kịp xu thế chứ không chỉ dừng lại ở việc kê khai thu nộp điện tử áp dụng hóa đơn chứng từ điện tử như dự thảo.
Bitcoin lao dốc, tụt xuống mức thấp nhất trong năm
Theo ghi nhận, trong ngày 15/11, Bitcoin đã mất 15% giá trị, ghi nhận mức giảm thấp nhất trong năm nay, giảm 9% so với ngày trước đó. Đây là giá thấp nhất trong năm nay, theo Coin Desk, giá sau đó đã lên quanh ngưỡng 5.500 USD.
 

Từ đầu tháng 9, Bitcoin vẫn biến động quanh 6.400 USD một đồng. Đây là quãng thời gian bình ổn hiếm hoi của tiền số này trong năm nay.

Theo góc độ kỹ thuật, khi giá Bitcoin xuống dưới 6.000 USD, lệnh bán cắt lỗ sẽ được kích hoạt, Mati Greenspan - nhà phân tích tại eToro giải thích. Chứng khoán Mỹ bị bán tháo cũng có thể đã gây sức ép lên tiền ảo.

Một đối tác của Quỹ Alphabit, cho biết: "Thị trường vẫn đang tìm đáy. Những người cố gắng bấu víu vào tương lai huy hoàng của tiền số có thể sẽ phải tháo chạy. Đó mới chính là thời điểm tiền số thực sự tìm thấy đáy".

Trong biến cố mới nhất, giá Bitcoin có lúc chạm 5.322 USD, thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Nếu so với khi đạt đỉnh gần 20.000 USD trong tháng 12 năm ngoái, Bitcoin đã mất gần 3/4 giá trị, tương đương 70%. Những cú sụt giảm đau đớn khiến người ta cảm thấy hoài nghi về tương lai đồng tiền số lớn giá trị nhất thế giới này.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tiền số vẫn bày tỏ tin tưởng vào Bitcoin Cash, một đồng tiền được phân tách từ Bitcoin, với hy vọng nó có thể trở thành phương thức thanh toán của tương lai. Một số thợ mỏ đã chuyển từ đào Bitcoin sang Bitcoin Cash với hy vọng nó sẽ tăng giá.

Ngay cả khi Bitcoin ở thời kỳ hoàng kim nhất, nhiều huyền thoại đầu tư, trong đó có Warren Buffett, đã gọi nó là trò lừa đảo và khuyên mọi người nên tránh xa nó. Tuy nhiên, sức hấp dẫn từ giá Bitcoin vẫn khiến nhiều người lao vào với hy vọng đổi đời.