Sự kiện kinh tế tuần: Bộ Công Thương cắt giảm thêm hơn 50 thủ tục hành chính

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương cắt giảm thêm hơn 50 thủ tục hành chính; Chứng khoán tháng 5 mở màn sau lễ "bốc hơi" gần 60.000 tỷ đồng; Đề xuất khai tử xăng khoáng RON 95... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ Công Thương cắt giảm thêm hơn 50 thủ tục hành chính
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm loạt thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh năm 2018, và là lần thứ ba cơ quan này giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh. Đợt này có 54 thủ tục hành chính nằm trong diện bãi bỏ, đơn giản hóa, trong đó sẽ bỏ 12, đơn giản hóa 42 thủ tục với 10 lĩnh vực, như năng lượng, xuất nhập khẩu, quản lý cạnh tranh, an toàn thực phẩm...
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ bỏ quy định về việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc lá để kinh doanh hàng miễn thuế, thủ tục được thực hiện suốt từ năm 1998 đến nay. Theo quy định tại Thông tư 03 ngày 13/1/2014 sửa đổi, thay thế các văn bản trước đó về quy định này, Bộ Công Thương sẽ cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Tại lần cắt giảm thủ tục nhập khẩu này, Bộ cũng giảm thời hạn thực hiện từ 5 xuống còn 3 ngày làm việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu.
Với lĩnh vực thương mại, Bộ đã rà soát, điều chỉnh và bỏ 9 thủ tục hành chính liên quan đến việc xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại. Thời gian doanh nghiệp thông báo chương trình khuyến mại gửi tới các Sở Công Thương cũng giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương bỏ, đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính, trong đó bỏ quy định về tài liệu trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Các lĩnh vực khác là giao dịch hàng hóa, tiêu chuẩn đo lường, quản lý cạnh tranh, kỹ thuật an toàn, kinh doanh rượu, năng lượng, điện... cũng được cắt giảm, đơn giản trong đợt này.
Đợt cắt giảm thủ tục hành chính đầu tiên được Bộ Công Thương thực hiện vào tháng 12/2016, khi đó đã có 123 thủ tục được đơn giản hóa, bãi bỏ (gồm bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục) trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi bộ này quản lý.
Năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa tới 183 thủ tục (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục) trong tổng số 451 thủ tục tại thời điểm năm 2017.
Giải thích về số lượng thủ tục thuộc diện Bộ Công Thương quản lý tăng lên trong 2017, đại diện cơ quan này cho hay, là do một số lĩnh vực thuộc quản lý các bộ, ngành trước đây được chuyển về Bộ. Đơn cử lĩnh vực quản lý sữa được chuyển quản lý từ Bộ Tài chính về Công Thương từ năm 2017.
Chứng khoán tháng 5 mở màn sau lễ 'bốc hơi' gần 60.000 tỷ đồng

Sau kỳ nghỉ lễ dài, thị trường chứng khoán mở hàng tháng 5 đã bằng việc lao dốc khi Việt Nam Index mất tiếp 21 điểm và sàn HoSE "bốc hơi" 60.000 tỷ đồng.
Từ đầu đến cuối phiên giao dịch của ngày 2/5, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc về đáy 1.020 điểm. Thanh khoản thị trường khá thấp, khối ngoại bán ròng ồ ạt hơn 380 tỷ đồng khiến cho thị trường đi xuống.
Chỉ số ngành khai khoáng giảm mạnh đến 5,76% bên cạnh sự suy giảm của các ngành trụ cột như chứng khoán (giảm 2,1%), ngân hàng (4,29%), bất động sản (1,24%).
Nhiều mã VN30 thuộc các ngành trên giảm sàn, cổ phiếu bị bán ra đồng loạt, có những mã hoàn toàn trắng bên mua. Mã BID của Ngân hàng BIDV giảm 2.500 đồng còn 33.600 đồng/cổ phiếu, tỉ lệ bán ra của khối ngoại gấp 10 lần mua vào.
Mã GAS chứng kiến đợt giảm sàn thứ ba liên tiếp, mất đến 7.800 đồng, chỉ còn 103.700 đồng/cổ phiếu. Lực bán của khối ngoại đối với mã này rất dữ dội, gấp 20 lần giá trị và khối lượng mua vào.
Mã CTG của Ngân hàng Vietinbank cũng quay đầu giảm sàn sau đợt tăng nhẹ của phiên cuối tháng 4, làm mất 2.050 đồng, còn 27.250 đồng/cổ phiếu. Các mã VN30 như GAS, BID, HSG giảm sàn và hoàn toàn trắng bên mua.
Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu blue chip VN30 khác như VIC, VJC, VNM, CTD cũng suy giảm đồng loạt kéo thị trường đi xuống.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng, từng khuyên nhà đầu tư tránh để tâm lý bị áp lực bởi hiện tượng "sell in May", hiện tại, tình hình kinh tế xã hội Việt Nam diễn biến rất tích cực, nhà đầu tư nên theo dõi diễn biến thị trường trong dài hạn.
Đề xuất khai tử xăng khoáng RON 95
 
Ý kiến đề xuất khai tử xăng khoáng RON 95 được các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đề cập tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công Thương chiều 2/5.
Theo ông Trần Minh Hà - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học toàn quốc là E5 RON 92 và E5 RON 95.
Ý kiến của ông Hà nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.
Số liệu Bộ Công Thương cho biết, hai tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1,4 tỷ lít, trong đó xăng E5 RON 92 đạt 593,6 triệu lít, tương đương 42%; còn lại là RON 95 đạt 836 triệu lít. So với năm 2017 lượng xăng E5 RON 92 tiêu thụ nội địa tăng khoảng 9%.
Lý giải nguyên nhân mức tiêu thụ xăng sinh học chưa đạt như mong muốn, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, độ chênh lệch giữa giá xăng E5 RON 92 và RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng.
Lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đề xuất giữ xăng E5 RON 92 rẻ hơn xăng khoáng RON 95 mức 1.800-2.000 đồng một lít để hấp dẫn hơn.
Trước con số bán xăng sinh học E5 RON 92 chưa đạt kỳ vọng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu các doanh nghiệp phải nghiêm túc, kiên trì và tiếp tục có những biện pháp tích cực hơn nhằm tăng thị phần.
Lãnh đạo Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước tổng hợp các ý kiến liên quan đến kiến nghị về thuế bảo vệ môi trường, chênh lệch giá xăng E5 và RON 95, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất các ý kiến, trình lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ. Vụ Khoa học và Công nghệ được yêu cầu xem xét các ý kiến liên quan đến vấn đề chất lượng, giấy phép pha chế xăng E5...
Dự án lọc hóa dầu hơn 9 tỷ USD cho ra dòng sản phẩm đầu tiên
 
Chiều 1/5, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã xuất xưởng thành công lô sản phẩm thương mại đầu tiên, xăng RON 92, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán cho các đối tác thương mại để phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 9,3 tỷ USD này, mà còn đối với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Dự án khởi công vào tháng 10/2013 và hoàn thành vào tháng 4/2017, sử dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới về lọc dầu. Kuwait cung cấp toàn bộ dầu thô phục vụ suốt vòng đời dự án. Sản phẩm của nhà máy gồm: Khí hóa lỏng LPG, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, paraxilene, Benzen, Polypropylene và lưu huỳnh.
Công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam với 4 nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI; Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui của Nhật Bản.
Sau một thời gian chạy thử, lô thành phẩm đầu tiên mang thương hiệu Việt đã được Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất bán cho các đối tác của Việt Nam. Sự kiện này mang tín hiệu tích cực và kỳ vọng lớn đối với sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Thanh Hóa.
Ông Turki Alajmi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cho biết: "Chúng tôi rất tự hào. Sự thành công của dự án lọc hóa dầu có quy mô rất lớn này đã khẳng định môi trường đầu tư hấp dẫn của Thanh Hóa, cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của tỉnh đối với các dự án tầm cỡ thế giới như thế này".
Được biết, khi chính thức vận hành thương mại và chạy tối đa công suất thiết kế, sản phẩm của nhà máy sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước. Đồng thời, góp phần quan trọng đưa Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh Thanh Hóa.
Dự án còn tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách nhà nước và là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ và khu vực Bắc Trung Bộ.