Sự kiện kinh tế tuần: Xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn không dưới 20.000 USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công thương thành lập đoàn xác minh nhằm làm rõ về thông tin muốn xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD.

"Mỗi lần xin là mấy chục nghìn USD"
Đây là lời ca thán của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC tại buổi Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo tổ chức chiều 22/2 vừa qua. Ông Nam khẳng định mỗi lần xin phép thì tốn không dưới 20.000 USD.
 
Theo vị Tổng Giám đốc này, ADC đã hoạt động trong ngành gạo từ nhiều năm nay. ADC có vùng nguyên liệu 35.000 ha, liên kết với 16.000 nông dân, có hệ thống xay xát, sơ chế quy mô lớn... Với quy mô như trên, ADC đã đạt được các tiêu chuẩn khắc khe theo quy định tại Nghị định 109/2010. Thêm vào đó, với khoản phải chi nói trên nên ADC vẫn không xin giấy phép xuất khẩu mà chọn xuất khẩu ủy thác qua một công ty nhỏ khác.
Sau khi nhận được thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập Đoàn xác minh, đồng thời giao Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, làm việc cụ thể với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ sự việc mà các báo đã nêu.
Liên quan đến việc cấp phép xuất khẩu gạo, Nghị định 109 được đánh giá là gây méo mó thị trường. Mấu chốt của Nghị định này là muốn được cấp giấy phép xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí như: Phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo.
Khi Nghị định 109 ra đời, ngay lập tức, hàng loạt doanh nghiệp bị loại khỏi “cuộc chơi” do không đáp ứng được điều kiện trên.
Thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Tuần qua, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hoả tốc gửi các Bộ Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.
 Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành trên khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại văn bản số 3308-CV/VPTW ngày 16/2/2017 về việc phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo liên quan đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật.
Đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.
Đóng cửa hàng loạt cụm rạp chiếu phim Platinum
Trong tuần qua đã xuất hiện thông tin từ ngày 24/2, Platinum - hệ thống chiếu phim lớn nhất Hà Nội sẽ đồng loạt đóng cửa tại Vincom Mega Mall Royal City, Vincom Mega Mall Times city và Vincom Plaza Long Biên sẽ ngừng hoạt động để trả mặt bằng cho Vincom Retail. Phía Vincom Retail cũng đã xác nhận việc này.
 
Theo đại diện Vincom Retail, sau nhiều năm hoạt động, Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim M.V.P, đơn vị đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim Platinum đã không có sự đầu tư thích đáng nên chất lượng dịch vụ hiện tại không còn phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống trung tâm thương mại do đơn vị này là chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, được biết, trong khoảng gần 1 năm nay, MVP đã nhiều lần vi phạm về tiến độ thanh toán dẫn đến khoản nợ đọng lớn. Có thời điểm tổng công nợ của Platinum lên đến vài tỷ đồng. Hiện công nợ của Platinum tại Times City vẫn còn tồn đọng.
Platinum được thành lập bởi M.V.P đến từ Indonesia. Đây là một nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood tại châu Á. Platinum Việt Nam được thành lập từ đầu 2011 và đã có tổng cộng 5 cụm rạp tại Hà Nội với hơn 30 phòng chiều.
Nếu đóng cửa 3 cụm rạp nói trên, Platinum Việt Nam chỉ còn 2 cơ sở tại Hà Nội ở The Garden Mễ Trì, Từ Liêm và Platinum Nha Trang, với tổng 9 phòng chiếu.
173 doanh nghiệp "chống lệnh" Thủ tướng chuyển giao vốn về SCIC
Đây là còn số được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về SCIC diễn ra vào sáng 21/2 vừa qua.
 
Theo đó, từ năm 2013 đến nay có khoảng 234 doanh nghiệp Nhà nước có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC, tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 61 doanh nghiệp chuyển vốn được, còn hơn 173 doanh nghiệp vẫn "nằm trên giấy".
số vốn Nhà nước tại 173 doanh nghiệpnày vào khoảng 82.600 tỷ đồng, trong đó vốn tồn ở doanh nghiệptrực thuộc Bộ 46,9 tỷ đồng, vốn của các doanh nghiệptrực thuộc tỉnh, địa phương là 60,2 tỷ đồng. Trong đó có 32 doanh nghiệptrực thuộc các Bộ, ban ngành trung ương, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 8 doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải với 5 doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 5 doanh nghiệp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 10 doanh nghiệpvà Bộ Y Tế có 4 doanh nghiệp.
Các địa phương còn giữ 141 doanh nghiệp, trong đó TP.HCM còn giữ 50 doanh nghiệp, Gia Lai 15 doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế 13 doanh nghiệp, Bình Định 11 doanh nghiệp, Điện Biên 7.
Theo SCIC, lũy kế đến hết tháng 12/2016, cơ quan này đã tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp, tổng vốn hóa là 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là hơn 15.000 tỷ đồng), bằng 1% tổng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó hơn 80% doanh nghiệpnhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt, theo báo cáo của SCIC, số doanh nghiệpchuyển về SCIC thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%.