Sự kiện kinh tế tuần: Thương hiệu Khaisilk lừa dối người tiêu dùng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo về xuất xứ khăn lụa của Khaisilk, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.400 USD, kiên quyết không cấp thêm vốn xử lý 12 đại dự án thua lỗ... là điểm nhấn chú ý tuần qua.

Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo về xuất xứ khăn lụa của Khaisilk
 
Theo văn bản "hỏa tốc" phát đi trưa nay (26/10), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin về vụ việc khăn lụa của Khaisilk gắn mác "Made in China".
Các phương tiện truyền thông, báo chí đã đưa tin và đề cập đến vụ việc một cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác “KHAISILK – Made in Việt Nam” vừa có mác “Made in China”.
Cụ thể, một doanh nghiệp tại Hà Nội nhập hơn 1 lô hàng của Khaisilk tại phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) làm quà tặng cho đối tác. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, họ đã phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn mác khác với nội dung “made in China”.
Trao đổi với báo chí sau đó, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận những sản phẩm trên là hàng nhập từ Trung Quốc. Ông này cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại.
"Văn phòng Bộ xin truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý", văn bản của Bộ Công Thương cho biết. Văn phòng Bộ cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường khẩn trương báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10/2017.
Ngay sau chỉ đạo của Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh, Đội 14, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng Khaisilk của ông Hoàng Khải vào chiều 26/10. Tại địa điểm kiểm tra, lực lượng QLTT của Hà Nội đã tạm thu giữ khoảng hơn 50 sản phẩm đang bán trong cửa hàng 113 Hàng Gai của ông Hoàng Khải.
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Trần Hùng cho rằng, việc “nhập nhằng” xuất xứ khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt. Đây là sự việc rất đáng buồn cho một thương hiệu sau bao nhiêu năm gầy dựng, giữ gìn.
Ngày 27/10, tại cuộc Họp báo về Kết quả triển khai các dịch vụ thuế điện tử, trả lời câu hỏi của PV Báo Kinh tế & Đô thị về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của KhaiSilk, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho hay, hiện, cơ quan thuế cũng đã vào cuộc vụ việc này.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế TP Hà Nội báo cáo và thực hiện kiểm tra chấp hành nghĩa vụ thuế, kê khai thuế và phát sinh doanh thu như thế nào với hoat động kinh doanh tại cửa hàng KhaiSilk 113 Hàng Gai (Hà Nội). Sang tuần, cơ quan thuế sẽ có thông tin cụ thể về việc chấp hành pháp luật thuế của KhaiSilk”, ông Trí khẳng định. Đại diện ngành thuế cũng nói, đây được coi là sự việc rúng động dư luận mấy ngày gần đây.
GDP bình quân đầu người ước đạt 2.400 USD
 
Sáng 23/10, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV chính thức được khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Báo cáo cho biết, trong năm qua Chính phủ đã mua thêm 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước tới nay; kỷ luật tài chính được tăng cường; nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục; thị trường chứng khoán cao nhất từ 2008; công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu được tăng cường; năng lực cạnh tranh tăng; ước cả năm GDP đạt 6,7%...
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế của quý I/2017 gặp một số khó khăn, tốc độ tăng GDP đạt thấp so với cùng kỳ do mới bước vào thực hiện kế hoạch và sự giảm sâu của ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, từ quý II tăng trưởng GDP đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,99%.
Trên cơ sở kết quả thực hiện của 9 tháng đầu năm 2017, dự báo tình hình kinh tế quốc tế và trong nước, ước tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt khoảng 6,7%. Quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 224,6 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.400 USD.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi, tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, khai khoáng, du lịch, thông tin truyền thông thấp hơn dự kiến thì ước tăng trưởng GDP cả năm 2017 có thể thấp hơn.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội lo ngại "bong bóng" chứng khoán, bất động sản
 
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, nhìn tổng thể tình hình năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cũng đặt vấn đề, mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực nhưng việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Trong khi đó, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn như phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% (so với chỉ tiêu khoảng 18% từ đầu năm), đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao...
"Cần tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu
Kiên quyết không cấp thêm vốn xử lý 12 đại dự án thua lỗ
 
Liên quan tới phương án xử lý 12 đại dự án thua lỗ, trong báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương khẳng định sẽ Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp thua lỗ.
Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và báo cáo kiểm tra pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất cập phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu EPC; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo các hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước.
Đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nền kinh tế nói chung.
Bộ trưởng cam kết, tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình quản lý điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.
Mục tiêu được Bộ Công Thương đặt ra là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện và đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp.