Sự kiện kinh tế tuần: 6 bộ, ngành vào cuộc xử lý vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Yêu cầu 6 bộ, ngành vào cuộc xử lý vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng; Ấn định cách tính thuế mới cho công thức tính giá xăng; Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo... là nội dung chú ý tuần qua.

Yêu cầu 6 bộ, ngành vào cuộc xử lý vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng
Bộ ngành vào cuộc xử lý vụ lừa 15.000 tỷ đồng tiền ảo.
Ngày 12/4, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ việc người dân tố bị lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 8/4, nhiều người tụ tập treo băng rôn tại tòa nhà Vietcomreal (Nguyễn Huệ, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) để kêu cứu vì bị lừa đảo trong vụ đồng tiền ảo iFan với tổng số tiền được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng.
Các nạn nhân cho biết, iFan là đồng tiền số được dùng để giao dịch giữa các nghệ sĩ tại Việt Nam với người hâm mộ (fan) của họ. iFan hoạt động như một sàn cho vay (lending) tiền ảo, huy động vốn với cam kết trả lãi suất cao ít nhất 48%/tháng. Đầu tư càng nhiều tiền, lãi suất càng được cộng thêm.
Sàn này được cho là dùng tiền của người gửi sau để trả lãi cho người trước. Nó cũng hoạt động như một sàn giao dịch đa cấp, có trả thêm hoa hồng cho những người giới thiệu người khác tham gia chơi trên sàn.
Theo lý thuyết, giá trị đồng tiền sẽ tăng lên khi ngày càng có nhiều giao dịch giữa người nổi tiếng với fan. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tiền số đã kêu gọi mọi người đầu tư vào đồng tiền này.
Ban đầu, người đầu tư được trả lãi bằng tiền mặt nhưng sau đó khi đã huy động được số tiền lớn, người chơi được trả bằng tiền ảo. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ sàn giao dịch iFan và lên tiếng từ cách nay vài tháng, tuy nhiên sự việc bắt đầu lớn hơn khi nhiều người tụ tập phản đối trước toà nhà nơi đặt trụ sở công ty M.T.
Nhiều người cho biết đã đổ vào sàn này hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Tổng tiền giao dịch được những người tố cáo cho biết khoảng 150.000 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Theo đó, thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo (sau đây gọi tắt là tiền ảo), cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời tăng cường điều tra và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các Sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Ấn định cách tính thuế mới cho công thức tính giá xăng

Sự kiện kinh tế tuần: 6 bộ, ngành vào cuộc xử lý vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ đồng - Ảnh 3
 Ấn định cách tính thuế mới cho công thức tính giá xăng. Ảnh minh họa
Bộ Tài chính vừa thông báo mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu trong quý II/2018.

Theo đó, thuế suất nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng sẽ là 10%; dầu diezel 0,96%, dầu mazut 3,12% và dầu hỏa là 0,11%.

Mức thuế này theo Bộ Tài chính là được căn cứ trên cơ sở tỷ trọng các mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa và dầu mazut trong quý I/2018 từ ASEAN, Hàn Quốc, các nước trong khu vực khác, do Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế cung cấp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng căn cứ vào thuế suất nhập khẩu ưu đãi MFN, thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định hiện hành, các quy định khác có liên quan…

Trên cơ sở mức thuế đã công bố, Bộ Công Thương căn cứ vào đó để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định từ kỳ tính giá mới vào quý II/2018. Hàng quý, Bộ Tài chính sẽ tiến hành rà soát và thông báo các mức thuế nhập khẩu nói trên để làm cơ sở căn cứ tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo quy định.

Thời gian qua, liên quan đến thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng dầu cũng có nhiều tranh cãi. Trong kết quả kiểm kiểm toán mới đây do Kiểm toán Nhà nước công bố cũng chỉ ra một loạt những bất cập trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 - 2016. Một trong những điểm đáng lưu ý được đề cập tới đó là việc áp dụng thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở.

Loại thuế này được xem là giải pháp tình thế của Bộ Tài chính trong bối cảnh tồn tại song song các mức thuế khác nhau với cùng một mặt hàng xăng dầu từ khu vực ASEAN là 10% và từ các thị trường áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường là 20%.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định. Theo đó, do áp dụng thuế bình quân gia quyền trong cách công thức tính giá cơ sở mà 10 thương nhân đầu mối hưởng lợi 3.375 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.433 tỷ đồng trong năm 2016.

Trên thực tế, thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với xăng dầu từng gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó xuất hiện. Năm 2017, Hiệp hội Xăng dầu cũng đã nhiều lần kiến nghị đưa thuế nhập khẩu về một mức để thuận tiện hơn trong tính toán và sát với giá thực hơn. Việc hụt thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng tăng thu trong nước.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn bảo vệ quan điểm khi nhiều lần khẳng định rằng, giai đoạn hiện nay, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất. Cách tính này giải quyết hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương dẫn quy định pháp lý điều tra thương vụ Grab mua Uber
 Bộ Công Thương dẫn quy định pháp lý điều tra thương vụ Grab mua Uber

Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), sau khi làm việc với Công ty GrabTaxi Việt Nam, chiều 12/4/2018, đơn vị đã tổ chức làm việc với đại diện hợp pháp của Công ty Uber Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Uber cho biết từ 23h59 ngày 8/4/2018, Uber đã chính thức chấm dứt hoạt động của ứng dụng Uber tại Việt Nam và hiện tại Văn phòng Uber Việt Nam cũng đã đóng cửa. Như vậy, giao dịch tập trung kinh tế giữa Grab và Uber đã chính thức hoàn tất tại thị trường Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả làm việc với các bên liên quan và thông tin thu thập được, căn cứ Khoản 2 Điều 86 Luật Cạnh tranh năm 2004, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quyết định tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc hạn chế cạnh tranh liên quan đến hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế nêu tại Luật Cạnh tranh năm 2004. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ.

ADB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực
 ADB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực.  
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong buổi cập nhật tình hình kinh tế châu Á ngày 11/4 đánh giá, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực.

Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019, theo như một báo cáo chủ đạo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được công bố ngày 11/4.

Theo đó, báo cáo ADB nhận định chung triển vọng kinh tế của Việt Nam là sáng sủa, trong môi trường toàn cầu nhiều thách thức, kinh tế dự báo sẽ tăng tốc trong năm 2018, sau đó giảm nhẹ vào năm 2019. Tăng trưởng của Việt Nam đang đạt “điểm chín” với đóng góp của tất cả các ngành. Duy trì tăng trưởng như vậy sẽ rất khó khăn.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: “Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các DN FDI và DN trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp”.

Cụ thể, tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo ở mức cao, 14,4%. Doanh số bán lẻ bán lẻ tăng 10,9% trong khi đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 29,1% và cho vay của ngân hàng tăng 18%.

Trong báo cáo ADB đặc biệt nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp phục hồi cũng chính là những động lực mạnh mẽ góp phần giúp tăng trưởng của Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao. Lý giải điều này, ADB đã chỉ ra do điều kiện thời tiết tốt hơn và cầu xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng nông, lâm thủy sản tăng 4% trong quý I/2018, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ông Sidgwick cũng khuyến cáo, sự tăng cường nỗ lực thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017 đã giúp kép giảm nợ công xuống còn 61,3% GDP vào cuối năm 2017 từ 63,6% trong năm ngoái. Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018 dự báo lạm phát sẽ đạt mức trung bình 3,7% trong năm nay, tăng lên so với mức 3,5% của năm 2017 và đạt tới 4% trong năm 2019 do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.

Trong khi nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng vững chắc của Việt Nam, báo cáo cũng lưu ý một số nguy cơ đối với triển vọng này, gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Báo cáo lưu ý rằng một số sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ - Trung Quốc) sẽ dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

Về tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi các DN quốc doanh trong năm 2017 đã nhanh hơn, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chính phủ đã thoái vốn trong 39 DN nhà nước, so với chỉ tiêu đề ra là 44. Hoạt động thoái vốn này thu về cho nhà nước 1 tỷ USD, là thu nhập thoái vốn cao nhất trong một năm kể từ khi khởi động chương trình vào năm 2013. Tình hình xử lý nợ xấu (NPL) đạt tiến triển chậm hơn.

Tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo chính thức đến cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 2,3% tổng mức dư nợ vào cuối năm 2017, chỉ thấp hơn một chút so với mức 2,5% tính đến cuối năm 2016.

Điều này một phần là do nợ xấu tiếp tục được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Trong khi đó, nợ xấu do cả VAMC và các ngân hàng nắm giữ, cộng với nợ xấu tiềm tàng tính đến cuối năm 2017 đứng ở mức 7,9% tổng dư nợ, so với mức 10,1% vào năm 2016.