Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sự kiện kinh tế tuần: Cách mạng 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh dân tộc

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng khẳng định Cách mạng 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh dân tộc; ngân sách thu về 9.000 tỷ đồng thoái vốn nhờ thương vụ Vinamilk... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng khẳng định Cách mạng 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh dân tộc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. 
Tại Hội thảo về "Cách mạng 4.0: Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai" do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ở Hà Nội ngày 5/12, Thủ tướng khẳng định Cách mạng 4.0 là cơ hội cho khát vọng phồn vinh dân tộc.
Trước xu hướng thế giới, khu vực đang tận dụng được cuộc cách mạng 4.0 vào phát triển, xóa đói giảm nghèo và thực hiện tiến bộ xã hội, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành và doanh nghiệp Việt Nam cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với Cách mạng 4.0, phát triển đất nước.
Thủ tướng khẳng định: Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hóa những sáng tạo thành giá trị giá tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam.
Để làm được điều này, Thủ tướng đề nghị: "Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, sẵn sàng và dũng cảm từ bỏ mô hình cũ để đi vào Cách mạng 4.0, nhằm thích ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng".
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần phát triển công nghiệp số, thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách mạng CN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ, phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, học giả Việt Nam và nước ngoài tại Hội nghị về Cách mạng 4.0 cần làm rõ 3 vấn đề: Việt Nam đang ở đâu trong khi thế giới đã và đang phát triển Cách mạng 4.0 nhanh chóng. Đánh giá những tồn tại, hạn chế của Việt Nam hiện nay để làm rõ những khó khăn, lợi thế của mình trong vấn đề của 4.0 đặt ra.
Thứ 2, cần cho người dân, doanh nghiệp thấy rõ thế giới đã, đang làm gì để tận dụng thành công cách mạng 4.0, nhất là các nước có điều kiện tương đồng như Trung Quốc, ASEAN. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để ứng dụng công nghệ số, thiết kế những kế hoạch dài hạn để thích ứng với cách mạng 4.0 đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thế giới.
Ngân sách thu về 9.000 tỷ đồng thoái vốn nhờ thương vụ Vinamilk
Ngân sách thu về hơn 9.000 tỷ trong 1 tháng nhờ thoái vốn Vinamilk. Ảnh minh họa
Theo báo cáo vừa được Bộ Tài chính công bố sáng 8/12, số tiền thu về sau thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty trong tháng 11 là 9.072 tỷ đồng. Trong số trên, riêng việc bán 3,33% cổ phần của Vinamilk trong tháng 11 đã thu về 8.733 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên đấu giá 3,33% cổ phần của Vinamilk, Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) đã trả mức giá 186.000 đồng để mua trọn lô 48,3 triệu cổ phiếu của Vinamilk. Lũy kế 11 tháng, báo cáo của ngành tài chính cho thấy, sau thoái vốn, các đơn vị đã thu về tổng cộng 24.586 tỷ đồng.
Về tiến độ cổ phần hóa, đại diện Bộ Tài chính cho hay, trong 11 tháng, đã có 39 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng. Trong số này, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 20.941 tỷ đồng. Tuy vậy, trong 39 DN trên, mới có 9 DN đã thực hiện bán cổ phần lần đầu.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DN Nhà nước nói chung và chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội giao Chính phủ về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển về ngân sách Nhà nước.
Về thoái vốn nhà nước tại các DN, 11 tháng đầu năm 2017 có 9 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng giá trị vốn nhà nước của 9 DN thoái là 82.080 triệu đồng, thu về 104.811 triệu đồng.
Bộ Tài chính “bác” khiếu nại của Uber về khoản thuế gần 67 tỷ đồng
 Ảnh minh họa
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN liên quan đến chính sách và quản lý thuế của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Tài chính đã có cuộc họp với đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và đại diện Uber về vấn đề này.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình thanh tra thuế Công ty TNHH Uber Việt Nam, Cục Thuế TPHCM đã xác định Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển khách hàng thông qua các đối tác lái xe.
Cụ thể khách hàng thuê dịch vụ trực tiếp đặt xe trên ứng dụng Uber, Công ty Uber Hà Lan bố trí lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá và trực tiếp nhận tiền thanh toán và quyết định chính sách khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng.
Do đó, thu nhập của Uber B.V phát sinh từ Việt Nam thông qua các đối tác lái xe để cung cấp dịch vụ trong thời gian từ 6 đến 12 tháng liên tục.
Căn cứ theo quy định về xác định cơ sở thường trú của pháp luật Việt Nam, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa hai chính phủ và kết quả thanh tra thuế tại Công ty TNHH Uber Việt Nam, cơ quan thuế xác định các lái xe được xem là các cơ sở thường trú của Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam.
Do Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú nên có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định.
Liên quan đến việc truy thu thuế với các khoản thuế phát sinh trước thời điểm Bộ Tài chính có Công văn hướng dẫn, Bộ Tài Chính xác định do Uber B.V Hà Lan ký kết hợp đồng với các đối tác là lái xe tại Việt Nam và thỏa thuận phân chia kết quả kinh doanh theo doanh thu.
Do đó, Uber Việt Nam hoặc tổ chức được Uber B.V Hà Lan ủy quyền có trách nhiệm kê khai nộp thuế nhà thầu thay cho Uber B.V Hà Lan và kê khai nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh vận tải, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Trường hợp những khoản thu nhập đã phát sinh trước thời điểm Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn mà chưa kê khai hoặc kê khai, nộp thuế khác với hướng dẫn tại Công văn này thì phải kê khai điều chỉnh, bổ sung và nộp vào ngân sách theo quy định.
“Liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuế với Uber B.V mà Cục Thuế TPHCM đã ban hành, nếu Uber B.V không đồng ý thì thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.