Sự kiện kinh tế tuần: Chính thức luật hóa đặt cược thể thao

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính thức luật hóa đặt cược thể thao; WB: Tăng trưởng Việt Nam cao nhưng khuyến cáo thắt chặt tiền tệ; Giá Bitcoin liên tiếp lao đáy... là nội dung chú ý tuần qua.

Chính thức luật hóa đặt cược thể thao
Sáng 14/6, với 93,84% ĐB Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục, thể thao đã chính thức được Quốc hội thông qua. Một trong những điểm mới nhất tại Luật này là lần đầu tiên quy định về đặt cược thể thao được hợp pháp hóa.
 
Theo đó, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc sau: Hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao.
Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.
Chính phủ quyết định đanh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao. Về vấn đề này, đầu năm 2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.
Được biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã chính thức hợp pháp hóa hoạt động đặt cược thể thao. Việc hợp thức hóa thị trường đặt cược thể thao còn nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của thị trường này, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước.
Một điểm đáng chú ý nữa là Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục, thể thao đã không quy định bơi là môn thể thao bắt buộc trong chương trình chính khóa mà chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thể dục, thể thao sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Trước đó, sáng 12/6, với 465 phiếu tán thành (tương đương 95,48%), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Theo đó, Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng (một triệu, bốn trăm linh bảy nghìn, năm trăm bảy mươi hai tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
Cùng với đó, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng (một triệu, năm trăm bảy mươi tư nghìn, bốn trăm bốn mươi tám tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017.
Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 197.165 tỷ đồng và vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để thực hiện Nghị quyết trên, Quốc hội yêu cầu công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nghiên cứu, thực hiện các đề xuất được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương rà soát, phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã hoàn thành. Có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công hoàn thành, chậm phê duyệt quyết toán.
Về giám sát, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này
Cũng trong ngày 12/6, với 95,28% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành,Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi), trong đó một trong những nội dung quan trọng là Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ thuộc Bộ Công Thương.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn dự luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng Điều 8 về hành vi bị cấm liên quan cạnh tranh và Điều 46 về Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia với kết quả hơn 90% tán thành.
Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc cho Uỷ ban này.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh. Ủy ban này cũng sẽ tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến vụ việc cạnh tranh...
Góp ý trước đó nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn việc để Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thuộc Bộ Công Thương sẽ "phình thêm bộ máy, không đảm bảo tính độc lập trong xử lý các vụ việc cạnh tranh". Tại nhiều nước cơ quan này là tổ chức, thực thi quyền hạn độc lập.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị sửa quy định thành viên Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị Bộ trưởng Công Thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng, tương tự quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm các chức danh này lên 7 năm.
Tuy nhiên, giải trình sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "xin giữ như dự thảo luật". Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế lý giải, việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia gồm Chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm nhằm đảm bảo tính độc lập trong thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Nhiệm kỳ của Chủ tịch uỷ ban này là 5 năm cũng phù hợp với quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Ngoài ra, các quy định liên quan tới cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh cuốc gia.
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 118 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp, hành vi vi phạm cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004 được tiếp tục xem xét, giải quyết.
WB: Tăng trưởng Việt Nam cao nhưng khuyến cáo thắt chặt tiền tệ

Chia sẻ tại buổi họp báo chiều 14/6, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,8% năm 2018 - tăng 0,3% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 4/2018. Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã dược củng cố và song hành với ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Nguồn tăng trưởng chủ yếu dựa vào nhu cầu trên quy mô toàn cầu đang ở chu kỳ tăng, đầu tư ở khu vực FDI và khu vực tư nhân đang khôi phục, và quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn đang diễn ra.

“Tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng trong năm 2017 và quý I/2018 đang tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên" - ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu. “Giai đoạn kinh tế đang vận hành vững chắc này là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, nhờ đó giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững dài hạn”.

GDP thực tăng gần 7,4% trong quý I năm 2018, nhờ môi trường bên ngoài thuận lợi với tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt đỉnh ở mức 3,1% trong năm 2018. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ chững nhẹ xuống 6,3% trong năm nay, chủ yếu do Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm dần.

Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện do kết quả vững vàng về thương mại và thu hút vốn FDI, đóng góp vào tổng thặng dư tài khoản vãng lai, ước đạt 6.8% GDP (quý I năm 2018). Tỷ giá được duy trì tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, ước đạt khoảng 63 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018, tương đương 3,6 tháng nhập khẩu.

Trong bối cảnh lạm phát thấp, chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng nhẹ ở mức 2,8% (so cùng kỳ năm trước) tại tháng 4/2018.

Tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao và thanh khoản dồi dào có thể làm gia tăng biến động trên các thị trường tài chính ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chính sách tiền tệ trên toàn cầu dự kiến được thắt lại. Nợ công đã có dấu hiệu ổn định lại từ năm 2017, với tổng bội chi ngân sách ước tính sơ bộ ở mức 4,5% GDP. Tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4% năm 2017 so với 63,6% năm 2016.

Triển vọng trung hạn của Việt Nam tiếp tục cải thiện kể từ lần ban hành báo cáo trước vào tháng 12/2017. GDP theo giá so sánh dự kiến tăng 6,8% trong năm nay (so với 6,5% từ lần dự báo trước đó) trước khi ổn định lại ở mức 6,6% vào năm 2019 và 6,5% vào năm 2020, do sức cầu trên toàn cầu thế giới dự kiến sẽ chững lại. Dự báo lạm phát sẽ ở mức xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ.

Cân đối tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát.

“Điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện nay, với tăng trưởng cao và lạm phát thấp, là cơ hội đặc biệt để đẩy mạnh cải cách" theo lời của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

“Chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng cần song hành với những cải cách cơ cấu sâu và toàn diện, bao gồm cải cách các quy định để loại bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, đồng thời tiếp tục cải cách để nâng cao năng suất của khu vực doanh nghiệp Nhà nước”.

Mặc dù triển vọng trước mắt được cải thiện nhưng còn nhiều rủi ro. Nhìn từ trong nước, tăng trưởng tín dụng cao, tiến độ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực Nhà nước.

“Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”: Gắn kết chính quyền với nhà đầu tư

Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tổ chức vào ngày 17/6 là cơ hội thể hiện sự gắn kết của chính quyền TP Hà Nội với các tỉnh, thành và các nhà đầu tư. Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Khánh tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12/6.

 

Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Hà Nội mới chỉ ký kết 95 dự án đầu tư với các DN trong và ngoài nước thì tại hội nghị năm 2017, các DN đã ký kết với UBND TP Hà Nội 135 dự án trị giá 1.106 tỷ đồng, ký 15 biên bản ghi nhớ về môi trường, viễn thông...

Dự kiến, Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sẽ có sự tham gia của 1.500 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và TP Hà Nội; lãnh đạo các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô cùng các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, DN, nhà đầu tư.

Đặc biệt, Hội nghị còn thu hút hàng trăm nhà đầu tư, DN trong nước và quốc tế, đồng thời UBND TP Hà Nội còn giới thiệu 160 dự án liên quan đến các lĩnh vực như: Xây dựng thành phố thông minh, phát triển giáo dục đại học, nông nghiệp kỹ thuật cao, y tế, môi trường, du lịch... Qua đó, thu hút số tiền đầu tư lên đến 270.000 tỷ đồng. Hội nghị cũng đã có 20 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa TP Hà Nội với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế được ký kết.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà nêu rõ: Thông qua việc tổ chức Hội nghị “ Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, TP Hà Nội đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của Thủ đô và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm, bình đẳng.

Việc Hà Nội liên tục tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư, giới thiệu các dự án, xây dựng cơ chế ưu đãi đào tạo, cung cấp thông tin, mặt bằng sản xuất tại các KCN đã thu hút vốn đầu tư tăng dần qua các năm.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, tổng vốn đầu tư xã hội tăng trưởng đều qua các năm (năm 2016 đạt 278,88 nghìn tỷ đồng, tăng 10,37%; năm 2017 đạt 308,219 nghìn tỷ đồng, tăng 10,52%). Đầu tư ngoài ngân sách trong nước đến cuối năm 2017 có khoảng 2.200 dự án với tổng mức đầu tư 1,07 triệu tỷ đồng.

Đầu tư theo hình thức PPP có 115 dự án với tổng mức đầu tư 312,66 nghìn tỷ đồng, trong đó 8 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư (TMĐT) 13,68 nghìn tỷ đồng); 12 dự án đang triển khai thực với TMĐT 29,29 nghìn tỷ đồng; 95 dự án đang thực hiện thủ tục với TMĐT 269,69 nghìn tỷ đồng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài 2 năm 2016 - 2017 thu hút được 6,55 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD (tỷ lệ đạt 42,7%). Lũy kế đến hết tháng 5/2018, Hà Nội thu hút được 27,94 tỷ USD với 4.330 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân đạt khoảng 15,4 tỷ USD (chiếm 55%).

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại nhiều địa phương

Sáng 16/6, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Công ty CP Intimex tổ chức lễ khai mạc "Tuần lễ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tại Hà Nội” qua đó giới thiệu thương hiệu Vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người tiêu dùng.

 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2018, do thời tiết rất thuận lợi nên sản lượng vải thiều Thanh Hà đạt kết quả rất cao nên ngay từ những tháng đầu vụ, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương Hải Dương để tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà.

ên cạnh đó, Hà Nội cũng hỗ trợ cho các xe của Hải Dương đưa sản phẩm vải thiều vào thành phố tiêu thụ trong thời điểm cao điểm của mùa vụ. Sở Công Thương Hà Nội cũng chuẩn bị các kho lạnh để hỗ trợ Sở Công Thương Hải Dương nếu có nhu cầu thuê các kho lạnh để bảo quản vải thiều, tránh tình trạng sản phẩm ra thị trường nhiều một lúc không tiêu thụ kịp.

Quả vải thiều Thanh Hà là loại vải rất đặc biệt với những hương vị đặc trưng rất riêng gắn với địa danh Thanh Hà; đồng thời với những ưu đãi về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nên vải thiều Thanh Hà có chất lượng ngon hơn hẳn các loại vải khác của Việt Nam.

Vải thiều Thanh Hà khi chín có sắc vỏ màu hồng nhạt, lớp vỏ lụa dai căng tròn, sờ hoặc nhìn vào phần gai vỏ lì hơn vải trồng ở những nơi khác, cùi vải ráo, trắng nõn, hạt vải rất nhỏ, màu nâu sẫm có nhiều trái gần như không có hạt. Vải thiều Thanh Hà khi ăn có cảm giác tự tan ra, không thấy vị se, vị chua chát như vải khác mà ngọt dần, có vị thanh mát.

Trước đó, sáng 13/6, tại siêu thị Big C Thăng Long, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và siêu thị Big C Thăng Long tổ chức khai mạc “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018”.

Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Quan hệ công chúng và Trách nhiệm xã hội hệ thống siêu thị Big C cho biết, qua chương trình, Big C Việt Nam sẽ thực hiện thu mua vải thiều của tỉnh Bắc Giang với chất lượng cao nhất và giá theo thị trường tại thời điểm thu mua, qua đó góp phần định hướng giá cả, thị trường tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang.

Nhằm góp phần tạo giá trị thương hiệu cho quả vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, trong Tuần lễ vải thiều năm 2018, lần đầu tiên hệ thống siêu thị Big C giới thiệu tới khách hàng 8 món ăn và thức uống được chế biến từ quả vải như chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, bánh flan vải, nước quả vải…

Ngoài ra, siêu thị cũng dành những vị trí đẹp nhất và bắt mắt nhất để giới thiệu sản phẩm quả vải Lục Ngạn. Trong ngày khai mạc Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang mang đến người dân Thủ đô 600 tấn vải có thương hiệu với đầy đủ thông tin, chứng nhận VietGAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và bao bì bắt mắt.

Sau sự kiện Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, hệ thống siêu thị Big C tiếp tục trưng bày, bán các sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang trong suốt mùa vụ năm 2018, góp phần giúp sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong nước. Đặc biệt, dự kiến trong 2 ngày tới, Big C sẽ xuất khẩu 3 tấn vải thiều sang Thái Lan.

Giá Bitcoin liên tiếp lao đáy
Trong ngày 12/6 theo giờ Mỹ, giá của Bitcoin đã tụt về mức 6.450 USD/coin, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Trong năm nay, Bitcoin đã mất 2/3 giá trị so với khi đạt đỉnh 20.000 USD hồi tháng 12 năm ngoái. Năm 2017 cũng chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của đồng tiền kỹ thuật số này, với 1.400% so với cuối năm 2016.
 
Đây cũng là tình cảnh chung của thị trường tiền số trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lo ngại về khả năng tồn tại dài lâu của loại tiền mới cũng như vai trò của nó trong việc thay thế các phương thức thanh toán truyền thống.
Tiền số hiện nay đang bị bủa vây bởi một chuỗi tin xấu, gần nhất và việc tin tặc tấn công sàn giao dịch Coinrail của Hàn Quốc dẫn tới việc thất thoát số lượng không xác định.
Trong khi đó, Bitcoin cũng đã giảm 12% giá trị chỉ trong ngày thứ 11/6 và đang tiếp tục giảm thêm. Trước đó, hồi tháng 5, Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành các cuộc điều tra về hoạt động tội phạm thao túng giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
Không chỉ riêng Bitcoin, hàng loạt đồng tiền khác cũng đang tụt giá nghiêm trọng. Ethereum, đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn thứ 2, cũng có những biến động mạnh mẽ khi tụt từ mức cao nhất 539 USD xuống mức thấp nhất 491 USD trong 24 giờ qua. Hiện tại, nó đang được giao dịch với 500,42 USD/coin, theo Coin Desk.
Ripple, đồng tiền số có giá trị vốn hóa lớn thứ 3, cũng chịu những biến động nặng nề khi mát tới gần 6% trong 24 giờ qua. Hiện tại, nó được giao dịch với mức 0,559 USD/coin. Bitcoin Cash cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi mất 9,29% trong 24 giờ qua. Đồng tiền này đang được giao dịch với mức giá 862,07 USD/coin.