Sự kiện kinh tế tuần: Chứng khoán Việt có tuần "đỏ sàn"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Việt có tuần "đỏ sàn"; ông Nguyễn Phú Cường giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinachem; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới... là những nội dung chú ý tuần qua.

Chứng khoán Việt có tuần "đỏ sàn" 
Chứng khoán Việt có tuần ''đỏ sàn''.

Ngày 5/2, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị "thổi bay" 8 tỷ USD với mức sụt giảm kỷ lục kể từ sự kiện biển Đông năm 2014. Hàng loạt bluechips như VIC, GAS, PLX, MSN, BVH, VJC, HPG... nằm sàn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá "thảm khốc" với CTG, VCB chuyển màu xanh xám, BID mất gần 1.000 đồng, MBB mất 1.900 đồng

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất hơn 5,5% và HNX30-Index mất gần 7%. PGS, PVC, PVS giảm sàn, hầu hết cổ phiếu trong HNX30 cũng đều giảm giá.

Trong phiên giao dịch sáng 6/2 đã có 300 mã giảm điểm, số mã giảm sàn lên tới 180 mã. Dẫn đầu làn sóng giảm giá này lại là các mã lớn, qua đó khiến VN30-Index mất 60,02 điểm tương ứng 5,8% và VN-Index cũng bị "thổi bay" 61,61 điểm tương ứng 5,87% về mức 987,1 điểm. BID, GAS, MSN, SSI, ROS, PLX, và thậm chí là cả VIC cũng giảm sàn.

Với mức giảm gần 6%, các chỉ số của sàn HSX gần như đi ngang trong suốt phiên sáng. Trong khi, HNX-Index cũng giảm rất mạnh 6,95 điểm tương ứng 5,85% và HNX30-Index "bốc hơi" 16,74 điểm tương ứng 7,19%.

Trên thị trường vẫn có 40 mã tăng giá, 10 mã tăng trần, hầu hết là mã nhỏ. NVL là mã duy nhất trong rổ VN30 trụ lại được, tăng giá nhẹ 100 đồng lên 81.700 đồng. Các tính toán ban đầu cho thấy chứng khoán Việt Nam đã bị đánh bay khoảng 17 tỷ USD chỉ trong 2 ngày liên tiếp.

Lý giải cho hiện tượng điều chỉnh mạnh trên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã có thời gian tăng khá mạnh trong 2 tháng trở lại đây, nhiều mã bluechip đã tăng trong khoảng 50 - 60%. Với mức tăng cao như thế, nhu cầu chốt lời cũng cao và rơi vào thời điểm cuối năm trước kỳ nghỉ lễ.

Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh do TTCK toàn cầu. Theo đó, TTCK Mỹ trong phiên thứ sáu tuần trước đã giảm hơn 600 điểm. Cùng với đó, dòng vốn ngoại thời gian gần đây chững lại và có dấu hiệu bán ròng nhẹ. Đây là các yếu tố khiến nhà đầu tư có nhu cầu bán và chốt lời mạnh hơn.

Một lý do không thể không nhắc đến đó là trong quá trình thị trường tăng điểm, có tích tụ lượng margin lớn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh, điều này kéo theo hiện tượng cắt margin và càng làm áp lực giảm lớn hơn. Tổng hòa các yếu tố này khiến thị trường giảm điểm rất mạnh.

Ông Nguyễn Phú Cường giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinachem

Ông Nguyễn Phú Cường giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinachem. Ảnh TTO
Ngày 9/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định bổ nhiệm cán bộ tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Theo đó, tại Quyết định số 188/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) giữ chức Chủ tịch Hồi đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Như vậy, ông Cường chính thức về đảm nhiệm "ghế nóng" tại Tập đoàn Hóa chất thay cho ông Nguyễn Anh Dũng đã bị kỷ luật. Trước khi được bầu làm Chủ tịch Vinachem, ông Nguyễn Phú Cường đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ từ tháng 11/2014.

Ông Cường tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Ghent (Vương Quốc Bỉ).

Năm 2002, ông chuyển về Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) sau 14 năm công tác tại Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Năm 2005, ông hoàn thành luận án tiến sĩ trong nước chuyên ngành vi sinh vật học kỹ thuật, nhận chức vụ Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.

Tân Chủ tịch Vinachem đảm nhận chức vụ trong bối cảnh Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý các dự án thua lỗ trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương.

Bên cạnh 4 dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, mới đây Bộ này bổ sung thêm dự án mỏ muối Kali ở Lào cũng do Vinachem làm chủ đầu tư. Các dự án thua lỗ của Vinachem khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh tập đoàn này gặp nhiều khó khăn.

Năm 2017, doanh thu của Vinachem đạt 44.971 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận của tập đoàn chỉ đạt 47 tỷ đồng do lỗ phát sinh chủ yếu từ 4 dự án yếu kém, thua lỗ là: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai lên tới 2.115 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cho biết đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thua lỗ như giãn, giảm lãi và nợ vay, hỗ trợ thuế...

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới

Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục mới. Ảnh minh họa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 6/2, tổng dự trữ ngoại hối lên tới trên 57 tỷ USD. Riêng trong ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước đã mua thành công 500 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được hơn 4 tỷ USD; còn trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 13 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối.

Đây là chuyển động mạnh và nổi bật ngay đầu năm mới, cùng với tỷ giá USD/VND được giữ ổn định, đang góp phần gia tăng uy tín, vị thế của Việt Nam, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài. Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, mức dự trữ ngoại hối cao này đặc biệt quan trọng trong việc củng cố uy tín và vị thế của Việt Nam.

Trong năm 2017, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường. Chính vì vậy, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, hỗ trợ tốt cho xuất khẩu.

Hơn 77 triệu USD vốn FDI rót vào bất động sản trong tháng 1

Hơn 77 triệu USD vốn FDI rót vào bất động sản trong tháng 1. Ảnh minh họa

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong tháng đầu tiên của năm 2018, lĩnh vực bất động sản đã thu hút 77,6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 6,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo báo cáo trong tháng 1 năm 2018, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 15.426 DN. Cụ thể, 10.839 DN thành lập mới và 4.587 DN quay trở lại hoạt động.

Lĩnh vực bất động sản có 461 DN thành lập mới, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2017. Số vốn đăng ký của lĩnh vực này trong tháng đầu năm 2018 tăng 17,9% (17.562 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, lĩnh vực được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều nhất trong tháng 1 tiếp tục là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn xấp xỉ 909 triệu USD, chiếm 72,4% tổng vốn đầu.

Bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, chiếm 7,2% và kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 77,6 triệu USD, chiếm 6,2%.

Hàn Quốc trở thành nền kinh tế đổ nhiều tiền nhất vào các dự án đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2018 với hơn 355,6 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư. Theo sau là Singapore với 199 triệu USD vốn, chiếm 15,8%, và Hong Kong xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 147,4 triệu USD, chiếm 11,7%.