Sự kiện kinh tế tuần: Chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 9 tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 9 tỷ USD; Cổ phiếu Yeah1 sẽ có giá tham chiếu cao nhất lịch sử?; "Đại gia" 23 tuổi sở hữu hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu VPBank... là nội dung chú ý tuần qua.

Chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 9 tỷ USD
Sau nhịp hồi phục kéo dài từ cuối tháng 5, TTCK Việt Nam đang đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh, đặc biệt trong 2 phiên giao dịch 18 - 19/6.
Chỉ trong 2 phiên giao dịch này, chỉ số VnIndex đã mất đi 54,35 điểm, tương ứng 5,35% so với tuần trước đó. Tương tự, các chỉ số Hnx-Index, Upcom-Index cũng mất đi lần lượt 4,6% và 2,6%.

Với mức giảm kể trên, vốn hóa TTCK Việt Nam chỉ còn 3,88 triệu tỷ đồng (168 tỷ USD), giảm 198 nghìn tỷ đồng (8,6 tỷ USD) chỉ sau 2 phiên giao dịch.
Việc TTCK Việt Nam giảm mạnh những phiên gần đây đến từ lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục lan rộng. 2 cường quốc này đã áp thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa của nhau và mới đây nhất Mỹ tiếp tục dọa áp thuế hàng hóa Trung Quốc lên 200 tỷ USD. Việc căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thương mại toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, những lo ngại FED tăng lãi suất, tỷ giá hối đoái tăng mạnh hay tăng trưởng kinh tế trong nước nhiều khả năng sẽ không đạt được con số ấn tượng như quý 1 đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.
Ngoài ra, áp lực bán ròng mạnh từ khối ngoại, cũng như quỹ ETF nội VFMVN30 cũng góp phần khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
Với mức điểm 962,16 khi kết thúc phiên 19/6, chỉ số VnIndex đã giảm 2,24% so với đầu năm. Trước đó trong quý 1, VnIndex đã bứt phá gần 22% và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng ngoạn mục nhất Thế giới.
Cổ phiếu Yeah1 sẽ có giá tham chiếu cao nhất lịch sử?
Mới đây, đại diện Tập đoàn Yeah1 tiết lộ hơn 27 triệu cổ phiếu của DN với mã YEG sẽ lên sàn HoSE vào ngày 26/6, với giá 250.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, YEG sẽ có vốn hóa thị trường ước tính lên tới 6.750 tỷ đồng.
 
Với mức tham chiếu cao nhất trong lịch sử niêm yết chứng khoán, vốn hóa thị trường của Yeah1 vào khoảng 6.842 tỷ đồng. Nếu không giảm mạnh trong phiên chào sàn, cổ phiếu này cũng sẽ vượt qua thị giá của hàng loạt các DN lớn như: Sabeco, Vinamilk, Vietjet…
Ngoài số cổ phiếu niêm yết này, Yeah1 sẽ chào bán 7,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, với kỳ vọng thu về hơn 100 triệu USD, tương ứng mỗi cổ phiếu có giá khoảng 300.000 đồng.
Đại diện công ty cho biết, tính đến nay có 25 nhà đầu tư tổ chức đăng ký tham gia đợt chào bán này. Phần lớn DN trong số này đến từ những quốc gia có tốc độ tăng trưởng quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số khoảng 50% mỗi năm như Hàn Quốc, Thái Lan…
Trước đó, công ty đã thông qua phương án điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sau khi niêm yết từ 49% lên 100%, nhằm mục đích tăng thanh khoản và thu hút vốn ngoại.
Số tiền thu được từ đợt chào bán này dự kiến được công ty dùng cho hoạt động M&A trong nước và khu vực Đông Nam Á, đồng thời, tăng cường nội dung chất lượng ở 4 mảng mang lại lợi nhuận cao là trẻ em, âm nhạc, làm đẹp và trò chơi điện tử.
Tập đoàn Yeah1 thành lập năm 2006, hiện sở hữu 9 công ty con và 4 đơn vị gián tiếp. Ngành nghề đăng ký kinh doanh là tư vấn quản lý, nhưng hoạt động chính suốt nhiều năm qua của DN này là xây dựng hệ sinh thái truyền thông và quảng cáo khép kín trên nhiều nền tảng kỹ thuật số như website, Youtube, Facebook, công cụ quảng cáo Google… Vốn điều lệ hiện tại của công ty xấp xỉ 238 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2017 của DN này ghi nhận 840 tỷ đồng doanh thu thuần và 82 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tương ứng tăng trưởng 50% và gấp 5 lần năm trước.
Cơ cấu doanh thu duy trì tương đối ổn định khi quảng cáo và chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật số vẫn chiếm tổng tỷ lệ gần 78%. Hơn một phần tư nguồn thu của công ty đang đến từ nước ngoài, chủ yếu là thị trường Singapore.
"Đại gia" 23 tuổi sở hữu hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu VPBank
Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vừa phát đi thông báo chuyển quyền sở hữu chứng khoán của Ngân hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) do giải thể DN.

Theo đó, 34.488.063 cổ phiếu của VPB của Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm đã được chuyển quyền sở hữu cho ông Nguyễn Mạnh Cường.
Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm được thành lập tại Hà Nội vào tháng 7/2017, có địa chỉ tại tầng 6, tòa nhà Việt Á, số 9 phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1995). Công ty này hoạt động 11 tháng (ngày cấp giấy phép: 20/07/2017; ngày hoạt động: 20/07/2017) thì tiến hành giải thể vào ngày 2/3/2018.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6, cổ phiếu VPB có giá 49.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với 34,49 triệu cổ phiếu VPB, ước tính số cổ phiếu mà ông Nguyễn Mạnh Cường được chuyển nhượng có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB là một trong những mã chứng khoán được nhà đầu tư quan tâm. Do vậy, thời gian qua cũng đã xuất hiện một số vụ chuyển nhượng quy mô “khủng”. Điển hình vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2018 đã có 2 đợt chuyển quyền cổ phiếu VPB được thực hiện với tổng khối lượng lên tới 122,7 triệu cổ phần, tương đương 8,2% vốn của VPBank.
Tổng kiểm tra, xử lý hoạt động bán thuốc, mỹ phẩm giả qua mạng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về chống nạn sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả gây nhức nhối dư luận thời gian qua.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, nhà xưởng, cơ sở dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng... trên toàn quốc, trong đó có kiểm soát kinh doanh hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm trên mạng.
Theo đó, Chính phủ nhận định thời gian vừa qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Thực tế đáng báo động này đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh, kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên toàn quốc.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi phát hiện vi phạm, các cơ quan tổ chức phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng, về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh.
"Xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", Chỉ thị Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Tài chính, trong đó hải quan, thuế được lệnh tăng cường thanh tra, kiểm tra về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ như Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan cần xử lý các trường hợp vi phạm quảng cáo trên truyền hình, trang mạng.